0000-00-00 00:00:00
VÀI NÉT VỀ VIỆC GIẢNG DẠY NGOẠI NGỮ Ở TRƯỜNG THPTDL LÔMÔNÔXỐP
Đăng ngày: 01/01/1970 12:00 AM | Lượt xem: 2.497 lượt

Tháng 6 năm 1992, trường PTBC cấp 2-3 chuyên ngoại ngữ Hà Nội, tiền thân của trường PTTH DL Lômônôxốp, được thành lập. Bên cạnh các bộ môn theo quy định của bộ Giáo dục và Đào tạo được giảng dạy trong nhà trường, bộ môn ngoại ngữ, cụ thể là hai môn tiếng Anh và tiếng Pháp là những môn được coi trọng, đầu tư và nâng cao trong giảng dạy. Đến nay trường đã có thêm tiếng Pháp, tiếng Trung và tiếng Nhật.

        Đội ngũ giáo viên ngoại ngữ của trường gồm 44 giáo viên trong đó có 29 giáo viên tiếng Anh, 10 giáo viên tiếng Pháp, 4 giáo viên tiếng Trung và 1 giáo viên tiếng Nhật. Hầu hết là những giáo viên có năng lực và tâm huyết với nghề. Tất cả các giáo viên đều có trình độ Đại học và trên đại học. Nhiều giáo viên đã tham gia các khoá học nâng cao, các hội thảo chuyên môn trong vào ngoài nước (của Phòng, Bộ giáo dục, Hội đồng Anh và các chương trình liên kết khác). Nhiều giáo viên trẻ hiện đang theo học các lớp bồi dưỡng sau Đại học, Thạc sĩ, hoặc các khoá đào tạo nâng cao chuyên môn và phương pháp giảng dạy các tổ chức giáo dục của Anh, Pháp, Mỹ, Úc tổ chức. Ngoài ra, một số giáo viên được cử tham dự đầy đủ các chương trình bồi dưỡng sử dụng và khai thác chương trình sách giáo khoa mới của Bộ, Sở giáo dục đào tạo nhằm cải tiến phương pháp giảng dạy theo đường hướng giao tiếp, chú trọng khâu phát triển các kĩ năng ngôn ngữ cho học sinh. Trường cũng thường xuyên mời các giảng viên, các chuyên gia có kinh nghiệm về bồi dưỡng cho giáo viên ngoại ngữ.

         Căn cứ vào chương trình và mục tiêu đào tạo của trường và đối tượng học sinh, các lớp Ngoại ngữ đã xác định lấy chương trình SGK của Bộ làm chuẩn mực và cơ sở để tổ chức giảng dạy nâng cao ở tất cả các lớp. Bên cạnh bộ SGK và bộ sách bài tập kèm theo của Bộ giáo dục, bộ sách bài tập bổ trợ và nâng cao tiếng Anh, Pháp, Trung, Nhật cho các lớp trung học cơ sở và trung học phổ thông do chính giáo viên của trường thống nhất biên soạn đã được đưa vào sử dụng. Tổ cũng phân công biên soạn thêm phần bài tập củng cố và nâng cao tương ứng với từng đơn vị bài học ở mỗi khối, cho phù hợp với trình độ và năng lực Ngoại ngữ của học sinh trong nhà trường, và hàng năm đều có hiệu chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, nhiều tài liệu, giáo trình khác kèm theo băng cát-xét của nhiều tác giả người bản ngữ Anh, Pháp, Mỹ, Úc… cũng đã được chọn lọc để sử dụng một cách phù hợp, hiệu quả nhằm bổ sung và nâng cao phần kiến thức được giới thiệu trong các SGK, đặc biệt là các phần phát triển kĩ năng ngôn ngữ: nghe, nói, đọc, viết.  Ngoài việc trang bị các kiến thức cơ bản về hình thái ngôn ngữ (ngữ âm, từ vựng, cấu trúc, ngữ pháp) các chủ điểm của từng đơn vị bài học đã được làm nổi bật và khai thác triệt để trong việc khai thác các kĩ năng dưới nhiều hình thức như viết luận, thảo luận, trình bày chủ đề, hỏi đáp theo chủ đề v.v… Bên cạnh các hoạt động chính khoá, học sinh của trường còn được tham gia vào hoạt động bổ ích khác như: Câu lạc bộ tiếng Anh, giờ học ngoại ngữ với các chuyên gia nước ngoài, sinh hoạt trại hè tiếng Anh, lớp tiếng Anh liên kết với Singapore, lớp học Dyned, các chương trình, giao lưu, hợp tác, và trao đổi học sinh và giáo viên giữa trường Lômônôxốp với các trường kết nghĩa và các tổ chức tình nguyện khác. Các hoạt động ngôn ngữ trên đã giúp học sinh giao tiếp bằng tiếng nước ngoài dễ dàng hơn, mạnh dạn và tự tin hơn trong việc học ngoại ngữ; đồng thời tạo được môi trường tiếng trong các lớp học. Đặc biệt các giáo viên rất chú trọng việc hướng dẫn các em phương pháp học tập Ngoại ngữ có hiệu quả và khuyến khích việc tự học nhằm phát triển tối đa năng lực Ngoại ngữ của từng em. Riêng khối tiếng Pháp, học sinh theo chương trình dự án còn được học Toán, Lý bằng tiếng Pháp.

        Bên cạnh việc thống nhất nội dung, lịch trình giảng dạy bộ môn trong từng khối lớp thông qua các hoạt động chuyên môn như họp tổ, nhóm rút kinh nghiệm nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tổ Ngoại ngữ đã tiến hành thống nhất ra đề kiểm tra chung cho mỗi khối lớp nhằm đánh giá đúng và khách quan trình độ của học sinh cũng như theo dõi và đánh giá kịp thời việc giảng dạy, học tập ở trường, ở lớp. Bộ bài tập nâng cao thống nhất cho từng khối cũng mang lại hiệu quả đáng kế trong việc nâng cao trình độ học sinh, đảm bảo cho học sinh nắm vững kiến thức cơ bản và có khả năng tự bồi dưỡng chuẩn bị cho các kì thi vào khối chuyên hay thi đại học.


Các tin khác: