2017-07-08 15:51:19
Ký sự nước Đức của học sinh Lômônôxốp
Đăng ngày: 08/07/2017 03:51 PM | Lượt xem: 1.952 lượt

Là học sinh lớp 11, cũng không còn nhiều thời gian để học, để chuẩn bị hành trang vào đại học và tất nhiên là cả xin học bổng để đi du học, bước vào năm học mới với đầy nhiệt huyết về tương lai, 5 học sinh chúng tôi đã vô cùng sung sướng, hạnh phúc và vinh dự khi được nhận học bổng đầu tiên của đời mình. Đó là chuyến du học Đức trong vòng 2 tuần từ 8/10 đến 22/10. Vui mừng hơn nữa, đây chính là học bổng 100%, được Goethe Insitut và Bộ Ngoại giao Đức tài trợ. Cũng chính vì thế mà chủ đề của chuyến đi này vô cùng thú vị, đó là: “ Môi trường và phát triển bền vững”, trong tiếng Đức là “Umwelt und Nachhaltigkeit”

Ngày đầu tiên, 8/10, đúng 2h chiều cả 5 đứa có mặt đầy đủ ở sân bay. Đứa nào cũng cười tươi, thấy rõ vẻ háo hức. Chuyến bay đầu tiên là từ Hà Nội vào Sài Gòn để làm quen và đi cùng 10 bạn từ trường Năng khiếu và trường Nguyễn Thượng Hiền. Sau đó cả 15 đứa lên máy bay sang Abu Dhabi rồi sang Berlin. 15 đứa, mỗi đứa một vẻ, nhưng ai cũng cảm thấy háo hức xen lẫn hạnh phúc. Chúng tôi đặt chân xuống Berlin vào lúc 7h sáng sau khi đã trải qua gần 1 ngày lơ lửng trên trời. Bay dài thế đấy mà cả cô cả trò chả có ai mệt cả. Lại còn hớn ha hớn hở nữa chứ.

Vừa bước qua cổng hải quan, đập vào mắt cả đoàn là cái bảng đề tên 3 trường, có người đang vẫy đoàn bằng cái bảng đó để tập trung ra chỗ thầy. A! Thầy Đôn! Đứng từ xa chạy lại mà thầy lùn qua nên thấy mỗi cái tay, chạy đến nơi mới nhận ra thầy. Rồi sau đó thầy dẫn cả đoàn về khách sạn. Tranh thủ lúc đợi nhận phòng thầy đã dẫn mọi người đi thăm thú thủ đô xinh đẹp của nước Đức. Bức tường Berlin nè, nhà ga Hauptbahnhof, Reichstag building, cổng Brandenburg … Toàn là những danh lam thắng cảnh nổi tiếng thế giới ở Berlin. Đặc biệt hơn, chúng tôi còn được đi các loại tàu ở nơi đây, U-Bahn này, S-Bahn này… ở Việt Nam thì không có, còn ở Đức thì lại quá tuyệt vời. Mỗi cảnh đẹp đều gắn với một câu chuyện lịch sử riêng, tất cả đều thú vị và hồi hộp. Không khí ở đây cũng rất trong lành và mát mẻ nữa chứ, không nóng nực như ở Việt Nam nên tất cả mọi người đều cảm thấy thoải mái, phấn chấn kể cả có đi nhiều như thế nào. Đặc biệt nhất, một món ăn vô cùng ngon và cũng vô cùng nổi tiếng chúng tôi được ăn thử chính là Currywurst. Ăn vào là sẽ muốn ăn thêm nữa. Ngon tuyệt vời! Ngoài ra chúng tôi còn được đến Chợ trời ở Berlin và sắm cho mình được những bộ quần áo ưng ý nhất.Tất nhiên là không phải chúng tôi chỉ được mua sắm ở Chợ trời rồi. Chúng tôi còn được vào Trung tâm thương mại Alexanderplatz để mua quà cho mình và người thân nữa. Nhưng đi về chủ đề môi trường mà, nói mỗi như trên thì khác gì đi chơi. Ở Berlin, chúng tôi không học nhiều về môi trường nhưng điều hay ho nhất mà chúng tôi thấy được chính là thùng rác và xe rác ở Đức. Đầu tiên, người ta không vứt tất cả các loại rác vào một thùng như ở Việt Nam mà chia ra làm 4 loại thùng: thùng dành cho giấy, thùng dùng cho các loại vỏ hộp, nilon và các lon đóng hộp, thùng dành cho rác thải sinh học và thùng để các loại rác còn lại. Còn các thùng rác công cộng mà người ta hay để trên đường phố thì thường có hình tròn. Thùng có cái lỗ to phía trên để bỏ rác vào. Và khi thùng đầy, người ta không cầm cả thùng lên đổ vào xe như ở Việt Nam, mà xe rác của họ có cái ống, họ sẽ cắm vào thùng và hút rác lên, không mất nhiều sức. Đó là tất cả ba ngày ở Berlin của chúng tôi.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến với thành phố Potsdam. Ở đây, chúng tôi được học hỏi nhiều điều hơn. Điển hình là chúng tôi được thăm Nhà môi trường  Potsdam Biosphare. Chúng tôi ở Potsdam với thời gian gọi là ngắn nhất so với cả chuyến đi nhưng kiến thức chúng tôi đã học được thì vô cùng nhiều điều, đặc biệt là cây cối, nước và động vật. Ví dụ như là Bromielie: hoa của rừng rậm nhiệt đới, mọc trên ngọn cây, có hình ống máng để hấp thụ nước, là nơi ở cho nhiều loại thú vật (ếch đẻ trứng vào hoa). Hay động vật thì có ếch bay, ếch bay có lớp da dưới các ngón tay, có thể bay xuống được từ độ cao 15m, còn ếch độc: sử dụng chất độc để đi săn. Chất độc phụ thuộc vào thức ăn, ếch càng nhỏ càng độc .Về cây cối thì điển hình là cây dầu: khai thác chất dầu của cây trong cuộc sống (bánh mì, bột giặt, mĩ phẩm); gây xói mòn đất do độc canh không hợp lý. Cây chuối: hấp thụ nhiều kali. Cây cà phê, cà phê đắt nhất thế giới là cà phê chồn. Chất cafein tập trung nhiều nhất ở lá. Cây cao từ 3 đến 4 mét. Lá cây rơi xuống tạo thành một vùng tự vệ cho cây Cây ca cao: dùng trong y học, chữa bệnh tim mạch và tốt cho hệ tuần hoàn, hàm lượng cacao cao nhất trong socola là 90% Zaffan là loại gia vị đắt nhất thế giới: chỉ trong hoa phải thu hoạch bằng tay, cần có 200 rưỡi đến 300 nghìn bông hoa, trồng trong 10 nghìn m2 để có 1 ký Zaffan. Vannila là loại gia vị đắt thứ hai trên thế giới. Trong một phút, con người phá số lượng rừng nhiết đới ẩm có diện tích bằng 25 sân đá bóng. Con người phá rừng ẩm nhiệt đới đểkhai thác đá Boxit( chứa quặng Aluminum). Nước! Có 7 triệu tấn rác nhựa đã dạt vào bờ biển, rác to có thể giết thú vật, rác nhỏ hủy hoại môi trường nhanh. Các loại cá có thể kể đến như KugelFisch: cá nóc. Sứa ong: loại sứa biển chứa độc tố độc nhất thế giới, một con có thể giết 230 người, tập trung ở các vùng biển Tây Úc. Cá hề: sống cả đời trong rặng san hô Einnemo, quan hệ cộng sinh. Cá bắp nễ xanh: cá bác sĩ, vây sắc nhọn để tự vệ . Ngoài ra ngày nay, diện tích lớn rừng mangroven bị phá đi để nuôi tôm. Thuốc kháng sinh dùng để nuôi tôm làm nguồn nước và đất nhiễm độc…

Sau Potsdam, địa điểm tiếp theo của chúng tôi là Hannover. Nơi học hỏi đầu tiên của chúng tôi tại đây chính là nhà máy phân loại rác thải Labora. Tại đây, chúng tôi được biết rõ hơn về cách phân loại rác ở Đức, được học tái chế lại giấy cũ, được tháo dỡ máy giặt ra để tái chế và cả chiêm ngưỡng đồ handmade được tái chế lại từ các bạn người Đức.Và tất nhiên chúng tôi cũng được học thêm các kiến thức về đồ có thể tái chế như giấy trong một tuần chúng ta có thừa lại hơn 8000kg hoặc gỗ thì chỉ trong một ngày có thể lấp đầy cả cái container ở nhà máy phân loại. Túi ni lông có hai phương án xử lý, túi mỏng dùng trong sản xuất điện, túi dày được xay ra để tái chế. Nhựa chính là một vấn đề trong môi trường của Đức. Ở Đức, túi nhựa dùng trong mua sắm được bán với giá 50 cent. Túi vải thường được dùng ở Đức. Ngoài ra chúng tôi cũng được đến tham quan nhà máy sản xuất xe ô tô điện Volkswagen nữa. Sau đó chúng tôi còn được gặp và giao lưu với các anh chị sinh viên Việt Nam. Qua buổi hôm ấy chúng tôi cũng học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quan trọng cho việc học đại học ở Đức. Cuối cùng, chúng tôi kết thúc những ngày học tập ở Hannover bằng việc đi mua sắm ở ngay giữa trung tâm thành phố. Thích lắm luôn!

Sau Hannover, thành phố tiếp theo à chúng tôi đến là Köln và Bonn. Ở Köln, chúng tôi chỉ đi thăm quan thành phố vì khách sạn chúng tôi ở là ở Bornheim, gần Bonn. Tại Köln, chúng tôi được tham quan nhà thờ chính Köln, thư viện và đi tham quan đường phố. Nhà thờ Der Kolner Dom: nhà thờ La Mã cao 157,38m, được xây dựng trong khoảng 500 năm và vẫn đang được tu sửa (bị gián đoạn và phá hủy bởi chiến tranh) kết hợp giữa kiến trúc Gothic mới và cũ. Đây là nhà thờ cao nhất thế giới. Nhà thờ được làm từ đá cát, trong đá cát chứa các vi khuẩn tạo màu đen cho đá, ngoài ra còn do ám khói của bom đạn trong chiến tranh. Kiến trúc Gothic: mái ngói nhọn và cao, tượng trưng cho sự kết nối giữa trời và đất; có 74 bức phù điêu bằng bạc dát vàng, và cả đá quý. Dưới lòng nhà thờ có một kho báu. Cửa sổ được làm bởi nghệ sĩ Kister, đây là cửa sổ gây tranh cãi nhất trong quá trình xây dựng vì trái với truyền thống Gothic. Nhà thời vẫn trụ vững dưới sự tàn phá của bom đạn trong thế chiến thứ hai, đó là một điều kỳ diệu. Không khí ở nhà thờ rất linh thiêng, có một hàng ghế dài để mọi người ngồi xuống cầu nguyện. Sự tĩnh lặng ở đây khiến cho mọi người ở đây ai ai cũng cảm thấy thanh thản. Chúng tôi còn được tham quan nhà hát thành phố. Nhà hát được xây dựng dưới lòng đất Cầu sông Rai được xây dựng từ 1907 đến 1911, là cầu quan trọng nhất Koln, được đi lại nhiều nhất nước Đức. Ngày xưa, cầu có 3 đường ray, hiện nay một đường ray được khóa lại cho người đi bộ và người đi xe đạp. Bốn bức tượng được xây dựng ở hai bên cầu, là tượng các vị vua và hoàng đế vĩ đại của Đức, Vinhem... Trên cầu có 560.000 ổ khóa, được tháo xuống hàng năm vì quá tải. Bên phải cầu là trung tâm thành phố. Cầu bắc ngang Sông Rai có bề rộng 550m. Sông bắt đầu từ phía Bắc Thụy Sĩ qua biển Bắc, qua Hà Lan, dài 1230km, có 63 loại cá sống dưới lòng sông. Nhiều thành phố sử dụng nước sông để uống, lọc hoặc đào giếng. Trước đây 50 năm, một công ty hóa chất thải chất độc ra sông, gây ô nhiễm nguồn nước. Nhánh Sông ở Thụy Sĩ được sử dụng để làm thủy điện. Nhiều điều hay nhỉ!Mặc dù ở đây không lâu nhưng thực sự thành phố này rất tuyệt vời. Có lẽ bởi vì buổi tối chúng tôi được đi mua sắm ở đây.

Xuống khách sạn ở Bornheim, bọn tôi được học về môi trường và phát triển bền vững nhiều hơn. Khách sạn chúng tôi ở là Jugendakademie Walberberg. Thực chất, nó là nhà nghỉ thanh thiếu niên nên chúng tôi cũng học được nhiều điều ở đây. Jungendakademie  có cơ chế tự sản xuất điện, sản xuất được 7000kW điện trong một giờ, chiếm 1/3 số điện trong một tháng, phần điện còn lại được mua từ các công ty thân thiện với môi trường. Một năm tiết kiệm 7000 tấn CO2, bằng một con voi. Những đồ ăn còn thừa sẽ được dùng lại để tiết kiệm. Thức ăn được trồng quanh nhà và mua từ các cơ sở nuôi nhốt thú vật nhân đạo. Thứ 4 ăn chay để bảo vệ môi trường. Để xử lý một ký thịt tốn hơn 1000lít nước, số lượng ngũ cốc dùng để nuôi gà có thể nuôi được 13 người khỏe mạnh. Bếp sử dụng năng lượng mặt trời. Gỗ được tái chế để đóng bàn ghế. Hai toa tàu cũ được tận dụng làm nhà kho và phòng ngủ. Nước được làm nóng bằng ánh nắng mặt trời. Nước mưa được sử dụng để tưới cây. Tiết kiệm nước bằng cách có không khí tồn tại trong ống nước nhiều hơn. Năm ngoái, có một đường ống nước bị rò rỉ, khu nhà đã mất một triệu lít nước. Những người quản gia sử dụng xe điện để di chuyển trong khuôn viên khu nhà, sử dụng đèn LED để tiết kiệm điện. Dự án đang xây dựng nhà vệ sinh sử dụng nước mưa. Lò sưởi được thay đổi từ sử dụng dầu đen sang gỗ ép, to khoảng 70m3, chứa 45 tấn gỗ, bằng 2750 lít dầu đen. Một năm đã từng tốn 78 nghìn lít dầu đen một năm, tiêu tốn 54600 . Một năm nơi này cần 175 tấn gỗ ép, tốn 7260 € . Giấy và thủy tinh được tận dụng. Văn phòng sử dụng giấy tái chế và sử dụng máy in bằng sáp ong và máy in tiết kiệm điện. Vườn trồng rau và hoa trong những chậu tái chế từ giường tầng. Nhiều cách tiết kiệm và tái chế đúng không? Kiến thức vô cùng quý giá để bảo vệ trái đất của chúng ta. Không chỉ thế, chúng tôi còn được tìm hiểu về văn hóa nước Đức qua việc giao lưu và trao đổi với các bạn người Đức nữa.

Sau những ngày di chuyển mệt mỏi, cả đoàn chúng tôi dành 4 ngày cuối ở Freusburg, gần với Siegen... Trong những ngày này, bọn tôi đã được tìm hiểu về các thành phần của nước ở sông và thuyết trình về tình trạng môi trường ở Việt Nam cho các bạn người Đức cùng nghe. Từ đó tổng kết lại và chúng tôi bắt đầu xây dựng một dự án về môi trường dành cho trường học ở Việt Nam.

Chúng tôi đã may mắn được đến tham quan trường Đại học Siegen. Tại đây chúng tôi được tư vấn về việc học đại học ở trường này nói riêng và cả nước Đức nói chung. Ngoài ra chúng tôi còn được thầy Đôn xinh đẹp dẫn đi xem phòng thí nghiệm nữa. Vô cùng bổ ích!

Trong 2 ngày cuối cùng, chúng tôi đã cùng chuẩn bị và tổ chức 1 bữa tiệc chia tay cho mọi người. Đó là một bữa tiệc vô cùng sôi động và vui vẻ, vì đến lúc đó tất cả chúng tôi đã chơi với nhau rất thân thiết rồi. Còn tạo nên một gia đình cơ mà. Mọi người chia nhau ra để trang trí, tổ chức trò chơi, chuẩn bi đồ ăn và âm nhạc. Rồi đến hôm đấy tất cả mọi người cùng ăn uống cùng vui đùa, cùng nhảy, cùng quẩy với nhau cho đến đêm…

Rồi cuối cùng, cái ngày không mong đợi nhất chuyến đi cũng đã tới. Mọi người nhanh chóng viết lưu bút cho nhau, chụp cùng những tấm ảnh cuối và trao nhau những cái ôm thật chặt. Và tất nhiên là đều hứa năm sau khi các bạn người Đức sang sẽ dẫn đi ăn chơi này nọ. Đấy, gia đình của tôi thế đấy. Chỉ trong 2 tuần nhưng đã cùng nhau làm những điều thật tuyệt vời và có ích cho tất cả mọi người.

Bây giờ, trở về với mái nhà chung Lômônôxốp, chúng tôi quyết định thực hiện dự án bảo vệ môi trường của mình dựa theo những gì đã được học hỏi bên Đức. Đó là tái chế lại lốp xe cũ thành ghế ngồi để ở dưới sân trường, tái chế cái phông bạt cũ trở thành những cái túi từ đó sẽ hạn chế việc sử dụng túi nilon và phân loại rác. Dự án này hiện nay đã được bắt đầu và chúng tôi đều mong muốn cho dự án thành công để có thể truyền đạt cho tất cả học sinh trong trường ý thức bảo vệ môi trường và cách thức bảo vệ môi trường một cách hiệu quả nhất.

Cuối cùng, chúng tôi muốn gửi những lời cám ơn chân thành đến Goethe Institut, Bộ Ngoại giao Đức và nhà trường đã tạo điều kiện cho chúng tôi được tham gia, được học hỏi, được trải nghiệm và lĩnh hội rất nhiều kiến thức bổ ích từ chuyến du học này. Cám ơn thầy Đôn yêu quý đã hướng dẫn, chỉ bảo và quan tâm, chăm sóc chúng tôi trong suốt 2 tuần qua. Nhờ đó mà chúng tôi đã trở nên trưởng thành hơn rất nhiều và trở thành những con người có ích hơn cho xã hội. Đây là chuyến du học đầu tiên và vô cùng ý nghĩa đối với cả 5 chúng tôi, hi vọng chúng tôi sẽ được tái ngộ với thầy Đôn tốt bụng và một nửa gia đình còn lại đang ở nước Đức.

Một số hình ảnh hoạt động của nhóm du học sinh Lômônôxốp tại nước Đức:

 

 

Ký sự nước Đức của học sinh Lômônôxốp Ngày đầu tiên, 8/10, đúng 2h chiều cả 5 đứa có mặt đầy đủ ở sân bay. Đứa nào cũng cười tươi, thấy rõ vẻ háo hức. Chuyến bay đầu tiên là từ Hà Nội vào Sài Gòn để làm quen và đi cùng 10 bạn từ trường Năng khiếu và trường Nguyễn Thượng Hiền. Sau đó cả 15 đứa