2017-07-08 15:15:42
DU XUÂN VÃN CẢNH CHÙA - DI TÍCH HÀ TÂY
Đăng ngày: 08/07/2017 03:15 PM | Lượt xem: 1.543 lượt

       Đông đảo giáo viên, cán bộ nhân viên trường Lômônôxốp đã háo hức và phấn khởi lên đường  du Xuân thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh và cầu danh, cầu tài đầu Năm Mới tại Chùa Thầy, Chùa Tây Phương, Chùa Mía và Làng Cổ đường Lâm - những di tích lịch sử có giá trị về mặt nghệ thuật kiến trúc và đầy chất huyền bí, linh thiêng ở Hà Tây do Công đoàn phối hợp với nhà trường tổ chức vào ngày 21/02/2010 (tức mùng 8 Tết).

Chuyến du Xuân đầu năm thăm Chùa - di tích lịch sử ở Hà Tây đã đem lại cho mọi người sự tĩnh tâm, thanh thản và mong muốn các Đức Phật từ bi nơi đây nghe thấu tâm nguyện của người đi cũng như người ở nhà gửi gắm người đi. Trong chuyến du Xuân lần này có Thầy Hiệu trưởng Lê Tiến Dũng, Thầy Nguyễn Phú Cường - Chủ Tịch Hội đồng Quản trị - nguyên Hiệu trưởng nhà trường, cô Phó Hiệu trưởng Ngô Thị Hồng Hà, thầy Cù Đình Hải, Thầy Đặng Ngọc Bích, Thầy Đàm Quang Minh, Thầy Nguyễn Hữu Yến - Chủ tịch Công đoàn…và gần 200 cán bộ nhân viên cùng đi đã làm tăng sự hưng phấn và không khí rộn ràng du xuân của trường.

 Điểm dừng chân đầu tiên của chặng hành trình dài trên đất Hà Tây của phái đoàn trường chúng tôi là Chùa Thầy. Sau chặng đường khoảng 30 km ngồi trên ô tô, chúng tôi không quản mệt mỏi mà với một tâm trạng phấn chấn leo lên  đường núi để vào Chùa.

                        Đoàn trường vào thăm Chùa Thầy

Qua lời giới thiệu của cô thuyết minh nơi đây, đoàn chúng tôi được biết tỏ tường về ngôi chùa được xây dựng vào thời Lý Nhân Tông (1072 – 1127), lưu dấu ấn tu hành của một vị cao tăng thiền sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng thời Lý; nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc độc đáo của ngôi chùa và ý nghĩa của từng pho tượng; toà Bảo điện nguy nga, đồ sộ; hồ nước Long Trì – ao Rồng hình bán nguyệt trước cửa chùa… Rồi tiếp đó, đoàn chúng tôi đã dâng lễ và cầu nguyện trước các bàn thờ với những pho tượng cổ kính, trang nghiêm và làn hương thơm nghi ngút; dòng người tham quan từ thập phương đổ về đây càng khiến chúng tôi thêm thấm đậm hương vị du xuân và không khí tâm linh vãn cảnh chùa. Sau phần hương khói lễ lạt và nghe thuyết minh, chúng tôi đi ra phía sau ngôi chùa khám phá  hang Cắc Cớ. Chúng tôi đã được tận mắt nhìn thấy hầm đá lưu giữ 2000 bộ hài cốt của quân sĩ đã ngã xuống nơi đây trong trận đánh chống giặc Nam Hán và từng người rút thẻ để xem công việc làm ăn, công danh và gia trạch của mình trong năm. Mọi người rất mãn nguyện với nụ cười trên môi về chuyến đi này. Để tiếp tục cuộc hành trình đến Chùa Tây Phương, đoàn chúng tôi đã dừng chân tại sân chùa cùng nhau ăn bữa trưa với những trái bánh, hoa quả vừa tạ lễ và rôm rả những câu chuyện vui, hài hước. Chuyến du xuân thanh tịnh, đầy lý thú này càng làm cho tình cảm của anh chị em chúng tôi ấm áp thêm và xích lại gần nhau hơn.

Chùa Tây Phương được xây dựng khoảng thế kỷ thứ 8. Nơi đây còn bảo tồn được rất nhiều pho tượng Phật có giá trị thể hiện tinh hoa tuyệt vời của nghệ thuật tạc tượng Việt Nam và là minh chứng của một nền văn hoá có từ lâu đời. Chúng tôi có cảm giác như lạc vào thế giới cực lạc, cõi niết bàn, chốn tu luyện của thần tiên.

Mỗi toà chùa đều có kiến trúc riêng rẽ, nhưng lại kết hợp thành một quần thể thống nhất. Mái chùa rất đặc biệt, có những góc đao cong vút lên, cấu tạo theo kiểu hai lớp, hình thành một không gian rộng và thoáng đãng. Khoảng 82 pho tượng gỗ theo kiểu tượng tròn đặt trong chùa được đánh giá vào loại bậc nhất về nghệ thuật tạc tượng cổ ở nước ta đã làm cho chúng tôi phải thốt lên trầm trồ. Đặc biệt là 18 pho tượng La Hán lớn bằng cỡ người thật trong các tư thế khác nhau ở hai bên tường lầu của Thượng Điện. Giống như nhà thơ Huy Cận đã miêu tả, mỗi ngôi tượng Phật thể hiện một nỗi khổ hạnh riêng biệt, cử chỉ, dáng điệu riêng, làm nổi bật những tính cách khác nhau khá sinh động và hiếm thấy trong nghệ thuật điêu khắc cổ của Việt Nam. Thực sự tới đây, chúng tôi mới thấy hết được vẻ huyền bí, thơ mộng và sự linh thiêng của ngôi chùa độc đáo này.

Cuộc hành trình tiếp tục đưa chúng tôi tới Chùa Mía - một ngôi chùa cổ nằm trên đất Tổ.

Ở Chùa Mía, chúng tôi cảm nhận được sự yên tĩnh khiến con người chìm vào thế giới thâm nghiêm, tạm quên đi cuộc sống ồn ào, hối hả. Cũng tại nơi đây chúng tôi một lần nữa lại được chiêm ngưỡng những pho tượng điêu khắc sinh động, chạm trổ rất tinh xảo như tượng Tuyết Sơn, tượng Di Lặc, tượng Bát Bộ Kim Cương…Sau đó chúng tôi đã đến thăm Làng Cổ Việt Nam vừa được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Chuyến Du Xuân đầu  Năm đã kết thúc với một tâm trạng đầy vui tươi, phấn khởi, ai nấy đều cảm nhận được và chiêm ngưỡng bao nét đẹp văn hoá dân tộc độc đáo, đồng thời  đem về những món quà đặc trưng của đất Hà Tây giầu đẹp. Cám ơn Nhà trường và Công đoàn trường đã tổ chức cho chúng tôi một chuyến Du Xuân đầy lý thú và bổ ích, đem lại cho mọi người bao kiến thức về lịch sử, giá trị nhân văn và những giây phút tịnh tâm trong tâm linh.

 

 

 

 

DU XUÂN VÃN CẢNH CHÙA - DI TÍCH HÀ TÂY Normal 0 false false false MicrosoftInternetExplorer4 Chuyến du Xuân đầu năm thăm Chùa - di tích lịch sử ở Hà Tây đã đem lại cho mọi người sự tĩnh