2017-09-12 15:23:52
BGH trường THCS và THPT M.V. LÔMÔNÔXỐP mong muốn thầy cô ghi nhớ
Đăng ngày: 12/09/2017 03:23 PM | Lượt xem: 5.553 lượt
BAN GIÁM HIỆU TRƯỜNG THCS VÀ THPT M.V. LÔMÔNÔXỐP MONG MUỐN THẦY CÔ GHI NHỚ
         
          Những điều sau đây BGH học tập và lắng nghe từ những thầy (cô) giáo nhiều thế hệ đi trước trong toàn quốc để gửi tới thầy (cô) giáo trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp. Mong rằng, chúng ta sẽ là những kỹ sư tâm hồn tuyệt vời nhất để cùng hoàn thiện những bức vẽ hoàn hảo trong sự nghiệp trồng người. 
  
 

1) Thầy (cô) hãy coi trường Lômônôxốp là ngôi nhà của chính mình, cùng xây dựng trường Lômônôxốp là nơi tràn đầy niềm vui, đầy ắp tiếng cười và giàu lòng nhân ái, để học sinh mỗi ngày đến trường là một ngày vui đúng nghĩa.

2) Thầy (cô) hãy vui cùng những thành tích nhỏ bé của học trò và hãy chia sẻ những thất bại của chúng; hãy là người rất gần gũi với học trò, cố gắng để chúng luôn cởi mở với thầy (cô); hãy vừa là bạn vừa là thầy của chúng; hãy bước vào lớp với nụ cười và gạt bỏ hết mọi ưu phiền sau cánh cửa lớp. Khi học trò chào, hãy nhìn vào mắt từng em để hiểu được tâm trạng của chúng; vui thì chia vui, buồn thì động viên. Đôi khi, gặp nhau ở cầu thang hay ngoài đường, chúng ta có thể chào chúng trước bằng một nụ cười tươi mà không nhất thiết phải chờ chúng chào mình rồi mình mới đáp lại.

3) Thầy (cô) cũng đừng ngại thừa nhận với học trò là mình không biết về một vấn đề nào đó, hãy cùng chúng tìm câu trả lời; đừng sợ xin lỗi học trò nếu thấy mình sai bởi xin lỗi chỉ làm tăng uy tín của thầy (cô) trong mắt các em mà thôi. Khi các em mắc lỗi, thầy (cô) cũng đừng nóng nảy quá, trách mắng các em.

4) Thầy (cô) hãy cố gắng khơi dậy sự tự tin trong mỗi em học sinh. Khi đó, chúng sẽ đạt tới nhiều đỉnh cao trong học tập. Hãy luôn ghi nhớ: Học trò không phải là một chiếc bình cần đổ đầy kiến thức, các em là những ngọn đuốc cần được thắp lên.

5) Đừng đòi hỏi một “kỷ luật lý tưởng” trong giờ học; hãy đừng độc đoán quá mà luôn nhớ rằng: giờ học là một phần cuộc sống của đứa trẻ. Vì vậy đừng làm cho giờ học gò bó, cứng nhắc quá. Qua mỗi giờ học, đứa trẻ cần trở thành một nhân cách cởi mở, say mê, sáng tạo và phát triển toàn diện.

6) Hãy cố gắng để giờ giảng của bạn không khuôn mẫu quá, chuẩn mực quá. Tuyệt vời nhất là trong mỗi giờ học đều có những “phát minh” nho nhỏ được diễn ra, những chân lí nho nhỏ được phát hiện, những đỉnh cao tri thức được chinh phục và những cuộc tìm kiếm được bắt đầu.

7) Điểm kém ảnh hưởng không tốt đến việc hình thành nhân cách của học trò. Thầy (cô) hãy cố gắng để tránh cho các em điểm kém; hãy tìm cách khác để khắc phục tình trạng này; hãy đánh giá theo sự tiến bộ của học sinh. Điểm của các em không phải chỉ ở trên lớp mà có thể từ những dự án làm ở nhà, ở các hoạt động của chúng. Tuy nhiên, điểm phải xứng đáng với những gì các em làm được; sự công minh trong việc cho điểm phải được thầy (cô) thực hiện một cách công bằng nhất.

8) Mỗi bài giảng của thầy (cô) phải là một bước tiến về phía trước, dù là rất nhỏ, trong việc khám phá tri thức. Học sinh cần phải vượt qua những khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức và bạn hãy tính toán sao cho mức độ của những khó khăn đó thật phù hợp. Đừng tìm những con đường dễ dàng nhất trong việc giảng dạy, như thế học trò sẽ lười suy nghĩ. Thầy (cô) cần làm cho chúng thấy việc học là lao động thực sự nhưng điều quan trọng nhất là thầy (cô) phải luôn khích lệ, luôn ở bên chúng khi khó khăn.

9) Nếu phải cân nhắc giữa hai điểm số khi cho điểm học sinh thì bạn hãy chọn điểm cao hơn. Hãy chắp cho đứa trẻ đôi cánh, hãy tin ở em, cho em hy vọng. Khi kí Học bạ, giữa lời phê bình và lời khen ngợi, thầy cô hãy chọn lời khen ngợi đối với những sự tiến bộ của học sinh; hãy tĩnh tâm để ký học bạ hoặc khi nhận xét về học sinh, tránh những sai sót đáng tiếc nhất.

10) Không cần che giấu tình cảm của mình với học sinh, nhưng cần tuyệt đối tránh sự ưu ái đặc biệt với một vài em nào đó; hãy cố nhìn thấy những ưu điểm ẩn sâu trong mỗi em, có thể chính các em cũng không biết mình có những ưu điểm đó, thầy (cô) hãy giúp chúng nhận ra, giúp các em tự tin để phát triển những ưu điểm đó. Thầy (cô) hãy biết lắng nghe, lắng nghe các tâm sự của tuổi mới lớn, lắng nghe những chia sẻ từ con trẻ và cho chúng lời khuyên tốt nhất.

11) Hãy khuyến khích học sinh đưa ra ý kiến của mình, khuyến khích chúng phản biện lại những vấn đề trong học tập và cuộc sống. Hãy động viên chúng nói, thuyết trình trước đám đông, kể cả là "chém gió", nhưng cũng nên dậy học sinh biết khiêm nhường bởi sự khiêm tốn sẽ giúp các em đi xa hơn và được tôn trọng hơn.  Hãy biến giờ Sinh hoạt lớp thành một giờ học thú vị thay vì tổng kết những khuyết điểm hay trách móc học trò, hãy tìm ra những chủ điểm vui và bổ ích để các con được thể hiện mình, hoàn thiện nhân cách.

12) Các cuộc gặp gỡ với Cha mẹ học sinh cần thiết thực và hiệu quả. Mỗi buổi họp CMHS là dịp để thầy (cô) cung cấp thêm cho họ những kiến thức về tâm lí, sư phạm, về quá trình học tập của con họ. Hãy mạnh dạn đổi mới buổi họp CMHS, hãy để các con họp cùng (nếu có thể), để tự các con nói về quá trình học tập của chúng. Khi tiếp xúc với phụ huynh học sinh, thầy (cô) cần nhớ rằng: đối với họ đứa con là quí giá nhất trên đời, vì  thế, bạn hãy hết sức tế nhị, tránh đừng để phụ huynh bị tổn thương.

13) Đừng gợi ý hay để CMHS gợi ý việc dạy thêm; không dạy thêm học sinh chính lớp mình dạy là quy định mà chúng ta phải thực hiện đúng. Tuyệt đối không được nghe lời CMHS nhờ: “nếu con tôi hư, thầy (cô) cứ đánh cho nó vài roi hoặc nó nói chuyện nhiều thì dán băng dính vào miệng chúng..”, vì đó là điều chúng ta không được phép làm.

14) Một lần nữa, mong thầy (cô): Hãy kiềm chế, bình tĩnh, kiên trì và mềm mỏng.