Tôi bắt đầu là một thành viên của tổ Văn mà khi ấy - tổ Văn của Bán công chuyên Ngữ đã có bề dày thành tích với những tên tuổi lừng danh như thầy Nguyễn Thiêm, thầy Trần Trung, thầy Nguyễn Quang Trung …Suy nghĩ của tôi, một cô giáo trẻ khi ấy như lạc vào giữa một rừng cây cổ thụ và loay hoay tìm cho mình một chỗ đứng nhỏ bé khiêm nhường trong cảm giác vừa run rẩy vừa tự hào. Trong suốt hành trình dài đi cùng tổ chuyên môn, dù tuổi không còn trẻ nữa nhưng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc ấy khi mọi người gọi tôi là cô giáo của tổ Văn Lômô.
Tôi yêu tổ Văn bằng một tình yêu thánh thiện với sự tôn kính, các thế hệ thầy cô giáo đi trước đã truyền lại cho tôi phong cách làm việc nghiêm túc, tác phong của một người làm nghề dạy học môn Văn. Các thầy cô giúp tôi hiểu sâu hơn chân lí dạy môn học mang tính đặc thù là người giáo viên luôn giữ được những cảm xúc chân thực và trong sáng. Trước học trò, người thầy phải thực sự tin yêu mặc dù học trò không phải lúc nào cũng dễ thương. Với mỗi giờ lên lớp, thầy cô phải “ghim” lại ở học trò “một chút gì đó”, chút xíu dịu dàng, chút xíu mạnh mẽ, chút xíu say mê, để gieo vào tâm hồn thơ trẻ những điều tốt đẹp, đánh thức cả lòng trắc ẩn trong các em. Và nhớ rằng người thầy không thể mỏng kiến thức, phải luôn tự học suốt đời để không ngừng sáng tạo… Những lời tâm sự của thế hệ thầy cô giáo đi trước đã giúp những giáo viên trẻ như chúng tôi tự xây dựng nền nếp và cung cách làm việc, học tập để theo kịp tổ chuyên môn. Tôi chẳng thể quên những giờ lên lớp của thầy Nguyễn Thiêm khi thầy nói và viết tiếng Anh về bài giảng Ông già và biển cả. Tôi nhớ y nguyên nét chữ như thư pháp của thầy Trần Trung khi thầy dạy bài Chữ người tử tù. Tôi còn nhớ lắm cô Hải say mê với bài giảng khó Tào Tháo uống rượu luận anh hùng, cô Nhãn rành rọt bài dạy về Tiếng Việt, về đọc văn bản…
Tôi yêu tổ Văn bằng một tình yêu của niềm tin tưởng sâu đậm trong sự kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp của tổ Văn Bán công chuyên Ngữ năm xưa. Như một cuộc chạy tiếp sức của các thế hệ, những thầy cô gắn bó bền bỉ với tổ Văn Lômô vẫn đang miệt mài làm nên những thành tích cho Nhà trường. Thế hệ sau này, các thầy cô giáo vẫn tiếp tục tham gia tích cực vào việc viết sách cho chương trình đổi mới sách giáo khoa. Tổ Ngữ văn hôm nay cũng đã có những thành viên đạt giải cao trong kì thi Giáo viên Giỏi cấp Thành phố. Đặc biệt, thế hệ các thầy, cô giáo trẻ 8X, 9X đầy tiềm năng và sáng tạo đã dẫn dắt học sinh đạt được giải cấp Quốc gia như viết thư UPU, giải thưởng cao của Đóa hoa đồng thoại do Đại sứ quán Nhật Bản tổ chức, các học sinh đạt giải thưởng cao trong các kì thi HSG giỏi cấp Thành phố. Trong hành trình cùng sự phát triển của Nhà trường, tổ Ngữ văn ghi dấu ấn trong các hoạt động hàng năm của Ngày hội đọc sách, Lễ hội văn hóa dân gian. Cùng với nhiệm vụ giáo dục, tổ Ngữ văn không ngừng lan tỏa những giá trị văn hóa đọc, văn hóa dân tộc đến nhiều thế hệ học trò. Với đội ngũ giáo viên trẻ, nhiệt huyết, có năng lực và đầy khát vọng cống hiến, tôi tin rằng tổ Ngữ văn sẽ tái tạo nguồn năng lượng tích cực để tiếp tục làm nên truyền thống của Nhà trường.
Suốt 30 năm hành trình cùng Nhà trường phát triển và hội nhập, tổ Ngữ văn của tôi cũng có những lúc thăng lúc trầm như những bản nhạc bất tận của cuộc sống. Nhưng dẫu có thế nào tôi vẫn luôn tin vào những điều tốt đẹp, vào truyền thống mà tổ Ngữ văn đã nỗ lực gây dựng lên. Tôi tin bởi tôi yêu tổ Văn như Betoven yêu nhạc, như cố hương nhớ Truyện Kiều, như kẻ làm thơ yêu Hà Nội cả ngàn năm tuổi. Có quá lời không bởi lúc nào trong tôi cũng nguyên vẹn “mãi mãi một tình yêu”!