0000-00-00 00:00:00
Lịch sử Hệ thống Giáo dục Lômônôxốp
Đăng ngày: 01/01/1970 12:00 AM | Lượt xem: 9.993 lượt

 LƯỢC SỬ HỆ THỐNG GIÁO DỤC LÔMÔNÔXỐP

PHẦN I

Sự hình thành và phát triển của Trường THPT M.V. Lômônôxốp tiến tới sự hình thành Hệ thống giáo dục Lômônôxốp

 

   1. Giai đoạn chuẩn bị thành lập trường (Từ tháng 10/1988 đến tháng 5/1992)

Nhờ chủ trương đa dạng hóa các loại hình đào tạo của Bộ Giáo dục&Đào tạo và sự chỉ đạo, giúp đỡ của Đảng ủy và Ban Giám hiệu Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội – ĐHSPNNHN (nay là Đại học Ngoại ngữ-Đại học Quốc gia Hà Nội), sự năng động của Ban phụ trách các lớp Phổ thông Chuyên ngoại ngữ - PTCNN (ngày nay là Ban Giám hiệu Trường PTCNN) đã hình thành những lớp học đầu tiên đặt nền móng cho một trường ngoài công lập.

Nhà giáo Nguyễn Phú Cường, Phó Ban phụ trách các lớp PTCNN (tương đương với Phó Hiệu trưởng Trường PTCNN) được Chi bộ và Trưởng Ban phụ trách – Nhà giáo Vũ Thị Việt phân công chuẩn bị Đề án và được GS.TSKH Trương Đông San - Hiệu trưởng Trường ĐHSPNNHN ký duyệt.

Năm 1988, Bộ GD&ĐT cho phép mở các lớp hệ B (những lớp góp học phí đầu tiên ngoài chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT về đào tạo HS chuyên ngoại ngữ) bên cạnh các lớp hệ A (được tuyển theo chỉ tiêu của Bộ GD&ĐT, học sinh có học bổng) của những lớp PTCNN nhằm đào tạo học sinh có năng khiếu ngoại ngữ, thuộc Trường ĐHSPNNHN. Được sự giúp đỡ của ông Nguyễn Trí chuyên viên của Bộ GD&ĐT (về sau là TS Nguyễn Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo viên, hiện đã nghỉ hưu), tháng 10/1988 Bộ GD&ĐT cho phép tuyển các lớp 10 đầu tiên của hệ đóng học phí ngoài chỉ tiêu hàng năm tuyển sinh chuyên ngoại ngữ.

Năm 1989, Sở Giáo dục&Đào tạo Hà Nội (GD&ĐTHN) cho phép mở những lớp cấp 2 dân lập đặt tại các lớp PTCNN thuộc Trường ĐHSPNNHN. Được sự giúp đỡ của N.G.Ư.T Nguyễn Văn Đính (nguyên Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐTHN), ngày 04 tháng 10 năm 1989 Giám đốc Sở GD&ĐTHN - Ông Vũ Mạnh Kha ký Quyết định số 808/QĐ-KH cho phép Trường ĐHSPNNHN mở một số lớp Phổ thông Cơ sở dân lập Chuyên ngữ. Từ năm học 1989-1990, những lớp 6 dân lập đầu tiên được tuyển.

Từ tháng 10/1988 đến hết tháng 5/1992 những lớp ngoài công lập đặt tại các lớp PTCNN thuộc Trường ĐHSPNNHN đã có tới 15 lớp với 703 học sinh. Ban phụ trách các lớp PTCNN quản lý những lớp này và về hành chính được đóng dấu của Trường ĐHSPNNHN. Địa điểm học tại khu nhà do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc tài trợ xây dựng, ĐHSPNNHN đã giành khu nhà này cho các lớp PTCNN (gọi tắt là khu UNICEFcủa ĐHSPNN).

Từ năm 1990, các lớp PTCNN được GS-TSKH Trương Đông San cho phép Trường ĐHSPNN đổi tên là Trường PTCNN và Trưởng, Phó Ban phụ trách được gọi là Hiệu trưởng, Hiệu phó của Trường PTCNN. 

2. Giai đoạn Trường Phổ thông Bán công (từ tháng 6/1992 đến 11/2003) 

Đề án mở Trường Phổ thông dân lập Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội do Nhà giáo Nguyễn Phú Cường Hiệu trưởng Trường PTCNN cùng Trưởng phòng Tổ chức cán bộ ĐHSPNN soạn thảo, thầy Nguyễn Đức Chính – GS.TS Hiệu trưởng Trường ĐHSPNN Hà Nội ký đề nghị Sở GD&ĐT Hà Nội và Ủy Ban Nhân dân thành phố cho phép thành lập trường. Được sự giúp đỡ của các ông Mai Đình Tố - Phó phòng Kế hoạch Tài chính, ông Nguyễn Văn Đính - Trưởng phòng Tổ chức cán bộ và ông Giám đốc Sở GD&ĐTHN, ngày 10 tháng 6 năm 1992 bà Trần Thị Tâm Đan, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội ký Quyết định số 1324/QĐ-TCCQ cho phép thành lập Trường Phổ thông Bán công cấp II và cấp III Chuyên Ngoại ngữ Hà Nội và cử Thầy Nguyễn Phú Cường làm Hiệu trưởng.

Đây là giai đoạn có nhiều biến động và phát triển vững chắc với nhiều loại hình, phân chia làm hai thời kỳ:

2.1 Từ tháng 6/1992 đến tháng 5/1998: Trường Phổ thông Bán công cấp 2, 3 Chuyên Ngoại Ngữ Hà Nội - PTBC CNNHN cơ sở chính đặt tại khu UNICEF Trường ĐHSPNNHN (sau chuyển tên thành Đại học Ngoại ngữ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Năm học 1992- 1993 trường có 21 lớp với 943 học sinh, đến năm học 1996-1997 trường đã có 46 lớp với 2112 học sinh trong đó có các lớp đặt tại cơ sở Sài Đồng - Gia Lâm (tiền thân của Trường PTDL Trưng Vương) và các lớp Tiểu học thuộc Dự án Tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp (tiền thân của Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm), trường phải mượn thêm địa điểm tại: Trung tâm Chuyển giao công nghệ thuộc Trường Đại học Thương mại, đường Hồ Tùng Mậu - Mai Dịch - Từ Liêm (nay thuộc quận Cầu Giấy). Tới năm học 1997-1998 sau khi không còn các lớp đặt tại cơ sở Sài Đồng (trở thành Trường PTDL Trưng Vương) và không còn các lớp tiểu học (thành lập Trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm), trường có 34 lớp với 1650 học sinh.

Theo quy hoạch của Đại học Quốc gia Hà Nội, khu UNICEF sẽ xây dựng nhà ở cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của ĐHNN- ĐHQGHN nên Trường PTCNN được xây mới, còn Trường PTBC CNNHN phải ra ngoài tìm địa điểm khác.

2.2 Từ tháng 9/1998 đến tháng 11/2003: Trường thuê địa điểm của Trung tâm Thương mại Từ Liêm (nay là Công ty Cổ phần Thương mại Cầu Giấy), đặt trụ sở chính tại 299 đường Cầu Giấy, xã Dịch Vọng, huyện Từ Liêm (nay thuộc Phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy). Sau 05 tháng chuyển khu nhà khung thép UNICEF từ ĐHNN ra Trung tâm Thương mại Từ Liêm xây dựng khẩn trương, trường tuyển sinh năm học 1998-1999 được 34 lớp với 1629 học sinh. Giai đoạn này cũng như giai đoạn trước mỗi năm số lớp và số học sinh lại tăng, đến năm học 2002-2003 trường đã có 46 lớp với 2089 học sinh và phải thêm 02 địa điểm khác nữa là 394 đường Cầu Giấy, Phường Quan Hoa, Quận Cầu Giấy Hà Nội (thuê của Công ty Công trình Giao thông 1) và 170 đường Phạm Văn Đồng, phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội (thuê nhà và đất của ông Nguyễn Vinh Tâm). Cũng trong thời kỳ này, do tách khỏi ĐHNN - ĐHQGHN nên các tổ chức dần được thành lập:

- Tháng 6/2002: Chi bộ Đảng Trường PTBC CNNHN được thành lập, trực thuộc Quận ủy Cầu Giấy;

- Tháng 9/2002: Công đoàn Trường PTBC CNNHN được thành lập, trực thuộc Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội;

- Tháng 10/2002: Liên Chi đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường PTBC CNNHN được thành lập, trực thuộc Quận đoàn Cầu Giấy;

- Tháng 8/2003: Hội đồng quản trị của Trường PTBC CNNHN được UBND Thành phố Hà Nội công nhận.

      Ngày 24/7/2003, UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định số 4285/QĐ-UB đổi tên Trường Phổ thông Bán công cấp 2-3 Chuyên Ngoại Ngữ thành Trường THPT Bán công Chuyên Ngoại Ngữ Hà Nội cùng với 88 trường khác trong thành phố.

      Năm học 2003-2004 là năm học chuyển đổi loại hình, học kỳ 1 còn mang tên Trường phổ thông bán công, học kỳ 2 mang tên Trường phổ thông dân lập. Năm học này, trường có 51 lớp với 2343 học sinh.  

        3. Giai đoạn Trường Phổ thông dân lập (từ tháng 11/2003 đến tháng 11/2011)

       Từ giữa năm 2003, Hiệu trưởng Trường PTBC CNNHN đã xin chuyển đổi loại hình trường từ bán công sang dân lập. Được sự đồng ý của Đảng ủy ĐHNN-ĐHQGHN, N.G.Ư.T Nguyễn Văn Lợi, Hiệu trưởng ĐHNN-ĐHQGHN đã ký đề án chuyển tên từ Trường Trung học phổ thông Bán công Chuyên Ngoại Ngữ thành Trường THPT dân lập Lômônôxốp. Ngày 26/11/2003, UBND Thành phố Hà Nội ra Quyết định số 7136/QB-UB xác định lại và đổi tên Trường THPT Bán công Chuyên Ngoại Ngữ thành Trường THPT dân lập Lômônôxốp. Cùng ngày 26/11/2003, UBND Thành phố  Hà Nội ra Quyết định  số 7176/QĐ-UB công nhận ông Nguyễn Phú Cường giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường THPTDL Lômônôxốp. Trường vẫn học tại các địa điểm 299 & 394 đường Cầu Giấy và 170 đường Phạm Văn Đồng thuộc quận Cầu Giấy.

       - Tháng 3/2004, Ban Thường vụ Quận đoàn Cầu Giấy ra quyết định đổi tên Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPT Bán công Chuyên Ngoại Ngữ thành Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Trường THPTDL Lômônôxốp;

- Tháng 4/2004, Ban Thường vụ Công Đoàn ngành Giáo dục Hà Nội ra quyết định đổi tên Công đoàn Trường THPTBC Chuyên Ngoại Ngữ thành Công đoàn Trường THPTDL Lômônôxốp;

- Tháng 02/2005, Ban Thường vụ Huyện ủy Cầu Giấy ra quyết định đổi tên Chi bộ Trường PTBC CNNHN thành Chi bộ Trường PTDL Lômônôxốp.

      - Tháng 4/2003 đã hình thành nhóm góp vốn của  Trường  PTBC cấp II và cấp III Chuyên Ngoại ngữ, nhóm này đại diện là Nhà giáo Nguyễn Phú Cường - Hiệu trưởng, đã ký hợp đồng mua hạ tầng cơ sở của Tổng Công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị - Bộ Xây dựng (Tổng HUD) vào ngày 18/6/2003 tại thửa đất TH2 thuộc Khu Đô thị Mỹ Đình 2, với diện tích 6505m2 và kêu gọi đầu tư góp vốn. Nhóm này về sau phát triển thành Hội đồng góp vốn đầu tư xây dựng trường. Sau thời gian làm thủ tục xây dựng và vay vốn ưu đãi của Quỹ Hỗ trợ phát triển Chi nhánh Hà Nội (nay là Ngân hàng Phát triển), với 09 tháng liên tục ngày đêm xây dựng trường, tới tháng 9/2004 Lễ Khai giảng năm học 2004-2005 của Trường THPT dân lập Lômônôxốp tổ chức tại trường mới - Khu Đô thị Mỹ Đình 2, đường Lê Đức Thọ, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, Hà Nội tại 3 khu nhà A&C để dạy và học, khu nhà B - hành chính làm việc; sau đó tiếp tục xây nhà D chuẩn bị cho các hoạt động liên kết và nhà E làm khu giáo dục thể chất.

- Ngày 15/10/2005, trường đã làm Lễ khánh thành ngôi trường mới, với sự chứng kiến của đại diện Thành ủy, Huyện ủy, UBND, Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT Quận Cầu Giấy và Huyện Từ Liêm… Từ đây trường ổn định lâu dài tại địa điểm này.

     Giai đoạn này trường đã có thời kỳ phát triển đỉnh cao. Với khẩu hiệu “Chăm sóc từng học sinh, giúp mỗi học sinh tiến bộ và hội nhập” của Hiệu trưởng nhà trường, các mô hình đào tạo chất lượng cao như lớp ít học sinh, học 02 buổi/ngày (20 HS/lớp – 30 HS/lớp), tăng cường Ngoại ngữ (có yếu tố nước ngoài) - Ngữ văn - Toán học, hiện đại hóa cơ sở vật chất (Phòng thí nghiệm, thư viện, sân chơi…), chăm sóc bán trú (tổ chức ô tô đưa đón và ăn nghỉ trưa tại trường), Nhà trường luôn đổi mới và đi đầu trong các mô hình đào tạo hấp dẫn, đã xây dựng được thương hiệu, được tín nhiệm cao của nhân dân và các cấp quản lý.

     Năm hoc 2004-2005, trường có 72 lớp với 2559 học sinh đến năm học 2007- 2008, trường có 88 lớp với 2679 học sinh, các năm học 2006-2007 và 2007-2008 trường đạt danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc cấp Thành phố, các năm khác là Tập thể Lao động tiên tiến của Giáo dục Thành phố Hà Nội.

     Cuối năm 2008, hết nhiệm kỳ Hiệu trưởng của NGƯT Nguyễn Phú Cường, Hội đồng cổ đông đã chọn TS Lê Tiến Dũng làm Hiệu trưởng. Từ tháng 01/2009, Hiệu trưởng mới đã nhận nhiệm vụ theo quyết định công nhận Hiệu trưởng của UBND thành phố Hà Nội. Năm học 2008-2009, trường có 87 lớp với 2407 học sinh; năm học 2010- 2011, trường có 85 lớp với 2142 học sinh

     Năm học 2010- 2011 là năm học chuyển đổi loại hình, học kỳ 1 mô hình dân lập, học kỳ 2 mô hình tư thục.   

4. Giai đoạn Trường Phổ thông tư thục (từ tháng 11/2011 đến 2/2013) 

Theo chủ trương của UBND Thành phố Hà Nội và Sở GD&ĐT HN, Hội đồng cổ đông đã nhất trí mời kiểm toán làm việc để hoàn thiện hồ sơ và phân công HĐQT làm thủ tục chuyển đổi loại hình từ dân lập sang tư thục.

- Ngày 15/11/2010, UBND thành phố Hà Nội đã ra Quyết định số 5665/QĐ-UBND cho phép trường được chuyển sang loại hình tư thục và đổi tên thành Trường THPT M.V. Lômônôxốp. Đây là tốp trường phổ thông dân lập đầu tiên của Thành phố được chuyển mô hình sang tư thục.

- Ngày 09/12/2011, Hội đồng quản trị Trường THPT M.V Lômônôxốp (nhiệm kỳ 2) được công nhận theo quyết định số 5738/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội, N.G.Ư.T Nguyễn Phú Cường - Chủ tịch HĐQT, Thầy Nguyễn Văn Châu - Phó Chủ tịch.

Năm học 2011- 2012, trường có 77 lớp với 1919 học sinh; năm học 2012- 2013, trường có 64 lớp với 1675 học sinh.   

5. Sự hình thành Hệ thống giáo dục Lômônôxốp 

Từ năm 2010, Hội đồng cổ đông đã nêu phương hướng mở trường tiểu học để hoàn thiện Hệ thống giáo dục phổ thông. Ngày 17/8/2012 Hội đồng cổ đông (HĐCĐ) của trường đã họp và ra Nghị quyết số 09/2012/NQ-HĐCĐ về việc tiếp tục thực hiện ý tưởng mở trường tiểu học của nhiều kì họp trong những năm trước. Mục đích của việc mở trường được HĐCĐ và HĐQT thống nhất là: Hoàn thiện mô hình giáo dục phổ thông với ba cấp học để xây dựng Hệ thống giáo dục Lômônôxốp bền vững; tận dụng CSVC (đã và đang cho các trường giáo dục chuyên nghiệp sử dụng) để phục vụ giáo dục phổ thông, trong đó chuẩn bị CSVC thật tốt để các em tiểu học được hưởng những tiện nghi tốt nhất; xây dựng được mô hình trường tiểu học có phương pháp dạy học đổi mới, nội dung giáo dục tốt, giúp trẻ em vừa hoàn thiện chương trình của Bộ GD&ĐT vừa được vui chơi theo các chủ đề để tự tin học tiếp bậc THCS.

- Từ tháng 12/2012 Hội đồng quả trị của trường đã hoàn thành hồ sơ xin thành lập trường tiểu học, sau nhiều lần chỉnh sửa hoàn thiện hồ sơ và các thủ tục kiểm tra, họp bàn, ngày 19/3/2013 Chủ tịch UBND Huyện Từ Liêm ông Anh Thư (Bí thư Huyện ủy) đã Quyết định số 1536/QĐ-UBND cho phép thành lập Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình, Quyết định số 1537/QĐ-UBND công nhận Hội đồng quản trị Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình gồm ông Nguyễn Phú Cường làm Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Châu làm Phó Chủ tịch, ông Ngô Trọng Ngà và bà Ngô Thị Hồng Hà làm ủy viên.

- Cuộc họp HĐCĐ của trường ngày 30/3/2013 với Nghị quyết số 03/2013/NQ-HĐCĐ đã thông qua những điểm cơ bản trong Qui chế tổ chức hoạt động của trường tiểu học, trong đó có qui định: Hội đồng cổ đông hiện nay của Trường THPT M.V. Lômônôxốp là HĐCĐ của Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình. Mọi nguồn vốn đầu tư, nguồn thu, chi, hưởng lợi hay rủi ro đều được thực hiện như đã thực hiện với Trường THPT M.V. Lômônôxốp. HĐQT và BKS hiện nay của Trường THPT M.V. Lômônôxốp cũng đồng thời là HĐQT và BKS của Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình. Cuộc họp cũng nhất trí mời bà Nguyễn Thị Thúy Liên nguyên chuyên viên phụ trách tiểu học Phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, nguyên Hiệu trưởng Trường tiểu học Dịch Vọng A làm Hiệu trưởng của trường.

-      Ngày 20/6/2013 2013 Chủ tịch UBND Huyện Từ Liêm ông Lê Anh Thư đã kí Quyết định số 3321/QĐ-UBND công nhận bà Nguyễn Thị Thúy Liên là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình.

-      Vậy là từ tháng 3/2014 đã hình thành Hệ thống Giáo dục Lômônôxốp gồm Trường THPT M.V. Lômônôxốp (THCS-THPT) và tiểu học Lômônôxốp Mỹ Đình. Ngày 04/9/2013 Lễ khai giảng Hệ thống Giáo dục Lômônôxốp đã khai trương Hệ thống GD LMNX và Chủ tịch HĐQT đã chính thức công bố Logo của Hệ thống:

 

 

Logo của Hệ thống Giáo dục Lômônôxôp có hình quả địa cầu xoay chuyển và hình ảnh tượng trưng cho những con người đang giang rộng vòng tay vươn tới tương lai. Logo được thiết kế trong thế chuyển động. Trái đất này quay không ngừng nghỉ, cũng như sự phát triển và tiến bộ không ngừng của xã hội loài người. Giáo dục có trách nhiệm đào tạo con người, vì sự phát triển chung, nên giáo dục cũng vận động một cách bền bỉ.