Với khát vọng xây dựng một môi trường giáo dục nhân văn và khai phóng, xây dựng một trường học hạnh phúc, năm học 2021 - 2022, trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp lựa chọn chủ đề “LẮNG NGHE ĐỂ THẤU CẢM”.
“Lắng nghe” là quá trình chủ động, tập trung cao độ vào nội dung của người nói để hiểu được, cảm được những điều mà người nói muốn chia sẻ và đáp lại bằng một thái độ tích cực. “Thấu cảm” là khả năng thấu hiểu những cảm xúc, suy nghĩ của người khác đến mức có thể đồng cảm chân thành, sâu sắc. “Lắng nghe để thấu cảm” chính là chú tâm, từ đó thấu hiểu cảm xúc của người nói cùng những ý tưởng và suy nghĩ của họ, không phải chỉ nghe bằng thính giác mà bằng cả trái tim, hiểu được những điều nói ra và cả những điều không nói ra. Biết lắng nghe mới có thể thấu cảm. Đó là cấp độ cao nhất của việc giao tiếp. “Nói là bạc, im lặng là vàng, lắng nghe là kim cương”.
Như vậy, lắng nghe là cần thiết, có tầm quan trọng đặc biệt và vô cùng quí giá, trong môi trường giáo dục cũng như trong cuộc sống. Học trò biết lắng nghe mới thu nhận được kiến thức, mới hiểu sâu, nhớ lâu. Người thầy biết lắng nghe mới khiến học trò tự tin, khích lệ trò bộc lộ, khơi nguồn sự sáng tạo ở họ, truyền cho họ cảm hứng và đam mê để càng nỗ lực trên hành trình khám phá, chinh phục tri thức cũng như tạo dựng, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất. Biết lắng nghe và được lắng nghe là môi trường tốt nhất để học trò được khai phóng tiềm năng, tự tin với giá trị riêng khác biệt, độc đáo, được tôn trọng, được hạnh phúc. Đó là chìa khóa vàng để thành công, để xây đắp nên những mối quan hệ tốt đẹp, tạo nên sự gắn kết, yêu thương, gỡ bỏ những định kiến, hóa giải những mâu thuẫn, bế tắc và cả những sai trái, lầm lạc. Điều đó sẽ giúp mọi người có thể đồng hành để đi được xa hơn và không để ai bị tụt lại phía sau. Lắng nghe là kĩ năng quan trọng, là cách sống văn hóa, là phẩm chất của người tự trọng, lịch sự, khiêm tốn, nhân hậu, bao dung, vị tha.
“Nói là gieo, nghe là gặt”, lắng nghe để thấu cảm là quà tặng của cuộc sống. Vậy chúng ta cần lắng nghe như thế nào? Trước hết phải chủ động, chú tâm để nghe, tập trung cao độ để hiểu, không ngắt lời, không phán xét khi lắng nghe, biết đặt câu hỏi hay đưa ra ý kiến đúng cách và biểu lộ sự quan tâm, hòa nhịp với người nói. Ngôn ngữ cơ thể cũng là một phương tiện để truyền tải cảm xúc. Và đôi khi, những khoảng lặng lại trở thành giây phút vàng làm nên sự thấu cảm. Để có thể lắng nghe một cách hiệu quả, cần đặt mình vào vị trí của đối phương mà cảm nhận những tâm tư, suy nghĩ của họ; tôn trọng sự khác biệt; chân thành và khiêm nhường để được chia sẻ nhiều hơn, thấu cảm sâu hơn. Cần khắc phục các yếu tố ảnh hưởng đến việc lắng nghe như tiếng ồn, không gian hay thời gian chưa hợp lí, các phương tiện hỗ trợ cho việc nói và nghe chưa tốt, khả năng truyền đạt của người nói chưa cao,… Nhưng quan trọng nhất vẫn là bản thân người nghe, phải có sức khỏe thể chất và tinh thần tốt, thái độ tích cực, cởi mở, thân thiện, tôn trọng người khác, thể hiện sự tương tác, ghi chép và hồi đáp lại những điều đã lắng nghe, kiểm soát cảm xúc của bản thân, kiên nhẫn với chia sẻ của người nói. Từ đó, có thể thấu hiểu, đồng cảm với người khác, hoàn thiện bản thân và sống trọn vẹn hơn.
“Lắng nghe để thấu cảm” giúp ta gần nhau hơn và mới có thể thành công, hạnh phúc. Mỗi chúng ta cần xây dựng thói quen và kĩ năng này. Đó là việc cần học suốt đời và là giá trị, là mục tiêu của giáo dục, là hành trang quí giá của mỗi người trong cuộc sống. “Lắng nghe để thấu cảm” là chất của người Lômônôxốp chúng ta.