2018-10-11 07:54:59
Tôi là nhà văn có niềm say mê hội họa
Đăng ngày: 11/10/2018 07:54 AM | Lượt xem: 7.872 lượt
Đó là tất cả những hình dung được gói gọn về "những con ong" 8D Lômônôxốp. Những bức họa được hoàn thành thay lời cảm nhận sau khi học xong các tác phẩm, cùng với đó là sự sáng tạo và những mong muốn, thể hiện riêng biệt trong kết thúc mới dành cho các câu chuyện. Cùng một lúc, vừa là nhà văn, vừa là họa sĩ, mỗi tổ học sinh đã có bài báo cáo xuất sắc cho chủ đề: VĂN TỰ SỰ KẾT HỢP MIÊU TẢ VÀ BIỂU CẢM

Nhưng bên tai tôi, câu nói ấy bị chìm ngay đi, tôi không mảy may nghĩ ngợi gì nữa….
Tôi nghe tiếng lòng tôi vỡ ra. Bấy nhiêu mong chờ nhung nhớ, bấy nhiêu uất ức tủi nhục tôi kìm nến trong lòng cứ thế tuôn ra cùng dòng nước mắt nóng hổi chảy dài trên má. 
Mẹ đã về với tôi rồi, sẽ chẳng còn gì đưa mẹ đi nữa. Tay mẹ run run mà ấm áp bao lấy tôi, như sẽ mãi mãi… mãi mãi không buông.
Mắt tôi nhòe đi vì nước mắt. Nhưng từ khóe mắt, tôi thoáng thấy bóng ai như bóng cô tôi thoáng lướt qua. Nếu như tôi kéo mẹ tôi qua đó… Nếu như tôi cho cô tôi thấy mẹ tôi vẫn luôn khỏa mạnh… Nếu như tôi cho cô tôi thấy, cô tôi sai rồi, vẫn luôn sai về mẹ tôi…
Nhưng tôi không dám nghĩ tới chuyện tôi muốn rời xa cái ấm áp của mẹ bây giờ hay bao giờ. Vả lại, có thật sự quan trọng không nếu cô tôi sai ? Cô tôi vẫn luôn khinh ghét mẹ tôi là thế…
Rồi cái bóng thoáng qua quay lưng đi mất. Không, tôi không muốn nghĩ về con người ác độc ấy nữa, khi mà có mẹ tôi đây rồi…
Mẹ đẩy tôi ra. Chân tôi loạng choạng như gà say khi rời tay mẹ. Cục nghẹn trong cổ tôi chỉ chực nấc lên, nhấn chìm tôi trong cái cô đơn lần nữa. Nhưng tay mẹ đặt lên vai tôi, run rẩy mà vẫn ấm như lửa. Phải chăng, có cái gì lại làm mẹ đẩy tôi ra như thế ? Tôi nuốt cái nghẹn ứ kia xuống, gạt đi dòng nước mắt…
Một người đàn ông đứng ngay trước mắt tôi, mặt mày cau nhẹ, cao lớn, trên người mặc bộ quần áo sang trọng. A! Chắc là bố dượng tôi đây… Nặn ra nụ cười mếu máo nhất, tôi nói lắp bắp nhát gừng:
- Chào… dượ…
- Chào chú đi con! - Mẹ tôi nói. Tôi nín thinh câm lặng. Nước mắt tứa ra…

 
Mấy năm sau khi Lão Hạc mất, con trai Lão về. Trông cậu ấy đã tiều tụy nhiều, dáng người tuy cao lớn nhưng gầy gò loẻo khoẻo như người nghiện. Chắc hẳn, bọn chúng đã bắt cậu phải làm việc cật lực lắm.
- Thầy ơi, con về rồi!
Tiếng cậu to, dõng dạc, tôi nghe như có cả niềm mong nhớ cha già của người con xa quê lâu năm. Lòng tôi bất chợt cảm thấy khó xử, không biết phải mở lời với cậu như thế nào. 
- Con chào ông giáo, dạo này ông khoẻ chứ ạ?
- Tôi ...vẫn khoẻ
- Ông giáo có thấy thầy con đâu không ạ? Con gọi mãi nãy giờ mà chẳng thấy.
Tôi ngập ngừng, ấp úng, nói mãi không nên lời. Thấy thế, cậu con trai lão Hạc sốt ruột, ngỏ ý muốn rời đi. 
- Ông không biết thì thôi, con xin phép đi tìm thầy con trước.
- Khoan hẵng đi, thật ra thì ...
- Sao vậy ạ?
- Lão Hạc ... mất từ mấy năm trước rồi, lão mất khi cậu còn đang đi cao su ...
Cậu con trai lão Hạc sững sờ nhìn tôi, cậu mở to đôi mắt thẫn thờ, cả người cứng lại như hòn đá vô tri vô giác. Cậu không khóc, nhưng mắt cậu đỏ hoe, miệng mấp máy như định nói. Tôi cũng định an ủi cậu vài lời, nhưng cuối cùng, cả hai chúng tôi đều chọn cách im lặng.
- Ông ơi, ông !
Tiếng gọi í ới của vợ tôi vang lên từ phía bên kia hàng rào phá vỡ bầu không khí căng thẳng giữa tôi và cậu con trai lão Hạc. Tôi ra về, nhưng trong lòng tưởng như vẫn còn băn khoăn nhiều điều lắm .
- Cậu đừng vì những điều tôi vừa nói mà phẫn chí. Đây là cái vườn mà thầy cậu đã cố để lại cho cậu trọn vẹn, ông cụ thà chết chứ không chịu bán đi một sào. Cậu hãy giữ lấy mà cưới vợ. Thôi, chào cậu, tôi về !
Giọng cậu nghèn nghẹn, đáp:
- Vâng, ông giáo về kẻo bà nhà mong .
Thời gian thấm thoắt thoi đưa, cũng may, con trai lão cũng là thằng khá. Nó để dành được ít tiền từ lúc đi đồn điền cao su, lại chăm chỉ làm ăn nên cũng được một khoản kha khá. Một thời gian sau, nó ngỏ ý muốn lấy con Liên nhà tôi làm vợ. Tôi thấy con Liên cũng có ý với nó , lớp trước thằng con trai lão Hạc về, con Liên chăm chỉ, tháo vát hẳn ra. Vợ tôi cũng xem chừng như hài lòng trước chuyện của hai đứa chúng nó. Nên vợ chồng tôi góp chút tiền, làm cho hai đứa cái đám cưới nho nhỏ. Lão Hạc ơi, cuối cùng thì sự hi sinh của lão đã được đền đáp xứng đáng. Tuy rằng lão đã ra đi mãi mãi nhưng đã giữ cho con trai của lão một con đường sống. Và giờ thì hãy yên lòng nơi suối vàng nhé Lão Hạc!

 
Chiếc lá thường xuân cuối cùng đã biến mất.
Giôn-xi lặng lẽ ngắm nhìn cây thường xuân bên phía tường đối diện trong niềm nuối tiếc. Cành cây chẳng còn lại gì. Nó thật cô đơn giống như chính cô vậy. 
Giôn-xi ngồi trên giường, cứ thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ. Điều này càng khiến Xiu thêm bồn chồn lo lắng, chẳng thể rời mắt khỏi Giôn-xi để làm việc gì khác.
Mãi đến buổi chiều, khi bác sĩ tới, Xiu mới dám bỏ ra ngoài gặp và trao đổi
- “Khó lắm” - bác sĩ nói và cầm lấy bàn tay mảnh dẻ của Xiu - “Thực ra là có thể nhưng còn tùy thuộc vào cả bệnh nhân nữa, cô ấy mà không có nghị lực sống thì chẳng thể cứu được đâu.” Đoạn ông nói tiếp “Thôi, bây giờ tôi phải xuống dưới nhà thăm bệnh nhân khác tên là Bơ-men, hình như cũng là một nghệ sĩ thì phải. Cũng là chứng sưng phổi nhưng lại còn thêm cả việc ông cụ bị chấn thương ở đầu khá nặng. Mà ông lại là người già yếu nữa. Chẳng còn hi vọng gì, nhưng hôm nay ông sẽ vào nằm bệnh viện để được chăm sóc chu đáo hơn. Không biết cụ đã làm gì vào ngày hôm qua nữa, người ta nói còn nhặt được một chiếc đèn bão, một bảng màu xanh và nâu vàng lẫn lộn, à, hình như còn một cái thang và vài tờ phác thảo một chiếc lá bằng bút chì nữa, đó là lá thường xuân.”
Họ nói chuyện mà không biết rằng ở bên trong, Giôn-xi đã nghe thấy tất cả. Nghe xong, Giôn-xi dường như đã hiểu ra điều gì đó. Cô xin Xiu đem cho mình một bảng màu vẽ và vài tờ giấy. Giôn-xi đã ngồi vẽ cả chiều hôm ấy, thỉnh thoảng, Xiu có vào hỏi thăm nhưng cô chẳng nói gì cả. Mãi đến khi màn đêm buông xuống, Giôn-xi mới nghỉ tay. Ngắm nhìn lại tác phẩm của mình một lúc rồi cô quyết định sẽ viết thêm một dòng chữ nhỏ ở phía dưới. Sau đó, cô bình thản đi vào giấc ngủ…
Sáng hôm sau, Xiu ngồi ngắm nhìn bức tranh của Giôn-xi, khóe môi vô thức mỉm cười. Bức tranh vẽ một chiếc lá nhỏ, nó nằm cô độc trên cành cây ngoài cửa sổ. Dưới bức vẽ còn có dòng chữ “Dành cho cụ Bơ-men, cảm ơn cụ vì tất cả mọi thứ. Chị Xiu thân yêu ơi, em sẽ đến Italy để vẽ vịnh Naplơ tươi đẹp, em hứa đó”…
Ba năm sau…
- Chị Xiu ơi, bao giờ thì tàu mới cập bến ạ? 
- Giôn-xi à, còn 30 phút nữa thôi, em đừng vội!
- Em không thể chờ thêm nữa, em muốn về nhà ngay và cho mọi người thấy bức vẽ vịnh Naplơ của em. Em háo hức quá!
- Em gái bé nhỏ của chị, em cứ bình tĩnh chúng ta sẽ nhanh về thôi.
Hai cô gái nhỏ lênh đênh trên con thuyền có cùng một ước ao. Giá mà cụ Bơ-men cũng có thể thấy bức tranh này, chắc cụ sẽ thích nó lắm!

…Que diêm tắt phụt và ảo ảnh rực sáng trên khuôn mặt em bé cũng biến mất…
Thế rồi em cố gắng đốt hết tất cả các que diêm trong bao để tìm một chút hi vọng được sưởi ấm trong cái đêm giao thừa lạnh lẽo ấy… Đột nhiên, có một cỗ xe ngựa chở hàng đi qua và vô tình bị xóc, móc theo chiếc giỏ đựng diêm của em. Em chạy theo và khi lấy được giỏ thì em nhận ra mình đã ở trên chiếc xe ngựa chất đầy vải tự bao giờ. Em không thể chịu đựng được cái lạnh này thêm nữa và em đã chui vào đống vải và ngủ thiếp đi.
Chiếc xe ngựa đi và mang theo cô bé bán diêm tội nghiệp tới một thị trấn nhỏ. Ở đây, cỗ xe dừng lại tại một căn nhà. Một người phụ nữ trung niên bước ra nhận hàng. Trong lúc nhận hàng, bà đã thấy em nằm co ro trong đống vải. Hơi thở em nhịp nhàng với đôi má ửng hồng trên tay ôm giỏ diêm, trông em xinh như một thiên thần làm cô nhớ đến đứa con gái của mình do mắc căn bệnh hiểm nghèo đã mất một thời gian lâu về trước.
Bà đặt em bé bán diêm xuống giường và sưởi ấm cho em. Ngoài kia, tuyết rơi trắng xóa, gió lạnh buốt tràn vào nhà qua những khe hở của cửa sổ. Em dần tỉnh lại và chợt nhớ ra hình ảnh chiếc xe ngựa trước khi chìm vào giấc mơ về người mẹ ruột của mình. Người phụ nữ lạ mặt ấy cho em uống một cốc sữa ấm để em dần tỉnh lại. Ở xã hội bấy giờ, hiếm có một con người tốt bụng như vậy. Người phụ nữ ấy tự xưng là người kinh doanh vải và hứa sẽ giúp em trở về nhà. Mặc dù kinh doanh vải nhưng người phụ nữ này cũng chẳng khá giả gì. Bà ấy cho em một mẩu bánh mì và cùng em về nhà. 
Người phụ nữ vô cùng sửng sốt khi nhìn thấy hình ảnh bố em lúc ấy đang nằm sõng soài giữa một đống vỏ rượu và chai thủy tinh. Đợi bố em tỉnh, người phụ nữ tốt bụng đã nói chuyện vẻ nghiêm túc trong khi cô bé được dặn ra ngoài đợi. Một thời gian sau cuộc nói chuyện đêm hôm ấy, em được chuyển tới sống cùng người phụ nữ ấy. Bà coi em như con gái ruột của mình. Hóa ra, đêm hôm ấy, sau khi bày tỏ nguyện vọng muốn được đỡ đầu cô bé với bố em, người phụ nữ ấy đã đưa cho bố em một số tiền không nhỏ để lấy vốn làm ăn. Thế nhưng ông đã tiêu pha vào rượu chè và bị tai nạn giao thông mà chết. 
… Vậy là từ giờ, em lại một lần nữa được có mẹ, em lại được mẹ ôm và vỗ về yêu thương, em vẫn còn cảm nhận được tình mẹ, tình yêu mà bấy lâu nay, em hằng mơ ước. Từ đó, em sống hạnh phúc bên người mẹ ấy mãi mãi về sau.

Trích facebook: Thủy Linh

Các tin khác: