Luôn yêu thương và đồng hành cùng các con, luôn tâm huyết với học trò với sự nghiệp giáo dục, Ban đại diện CMHS đã cùng với nhà trường tổ chức các buổi chuyên đề giáo dục kỹ năng sống cho học sinh của toàn thể các khối lớp. Ban đại diện CMHS cũng như Ban Giám hiệu luôn đặt kỳ vọng vào những lớp học trò trường THPT M.V. Lômônôxốp có tri thức phong phú, kỹ năng sống dồi dào và luôn khẳng định được chính mình, gặt hái thành công trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Chuyên đề giảng dạy kỹ năng sống cho học sinh sẽ được thực hiện đối với tất cả các khối lớp. Trong các ngày mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng 1 vừa qua, lần lượt các khối 11, 8 và 7 đã tham gia học tập chuyên đề tại hội trường tầng 5 nhà B trường THPT M.V. Lômônôxốp. Trong thời gian tới sẽ là các chuyên đề giành cho khối 12, khối 9, khối 10 và khối 6.
Đến với các buổi hội thảo vinh dự có sự góp mặt của diễn giả Ngô Minh Tuấn - chủ tịch hội động quản trị công ty đào tạo PAT, cố vấn đại học Aptech; Thầy Thế Hùng – tiến sĩ mỹ học, Cô Ngô Thị Hồng Hà – phó hiệu trưởng nhà trường, Bác Vũ Văn Liên – phó trưởng ban đại diện cha mẹ học sinh, Cô Nguyễn Ngọc Huyền - cố vấn Đoàn trường cùng đông đảo học sinh các khối cấp.
Chúng mình đã phỏng vấn được một số bạn học sinh và nhận được rất nhiều câu trả lời thú vị đấy!
1. Bạn thấy buổi hội thảo hôm nay có thú vị không? Bạn rút ra cho mình được những kỹ năng gì trong buổi hội thảo ngày hôm nay?
- An (11A): Buổi hội thảo thực sự thú vị hơn mình tưởng nhiều! Qua buổi hội thảo này, mình nhận thấy được rằng sống là phải có ước mơ, có mục đích và phải biết nỗ lực hết mình để đạt được những mục đích ấy, đừng vì những trở ngại, vấp ngã mà làm hỏng mất ước mơ của mình bởi “thất bại là mẹ thành công”
2. Bạn có cảm thấy việc định hướng tương lai có quan trọng không? Nếu có với bạn việc định hướng này quan trọng như thế nào?
- Quang (11C): Theo mình việc định hướng tương lai là rất quan trọng, bới việc định hướng tương lai, nghề nghiệp sẽ giúp các bạn có những bước đi, con đường đúng hướng để học tập, rèn luyện, làm việc và dẫn tới thành công, không phạm phải những sai lầm hay đi lệch với mục đích ước mơ của bản thân.
3. Tình huống: Giả sử bạn là một học sinh năng nổ trong các hoạt động tập thể của trường lớp, nhưng chương trình học của bạn ngày càng nặng, đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và bạn phải đối mặt với áp lực đó thì bạn sẽ quản lí thời gian như thế nào để cân bằng cả hai?
- Hà (11D): Mình sẽ bố trí làm các khung thời gian thứ tự các việc cần ưu tiên lên trước, những việc không cần thiết sẽ để xuống sau, đặt ra các kế hoạch công việc hợp lí và phân công công việc thích hợp cho người khác làm, có như vậy việc quản lí thời gian sẽ vô cùng hiệu quả.
4. Sau khi được nghe về các kĩ năng học tập thì bạn có thể chia sẻ cách làm thế nào để học hiệu quả?
- Linh (7A2): Mình thấy trước tiên chúng ta phải biết quan tâm và dành thời gian cho việc học tập, trong đó cần phải hình thành các thói quen tốt 1 cách nghiêm túc, sắp xếp thời gian 1 cách hợp lí, kiên trì trong học tập và đặc biệt là vượt qua được những sự lôi kéo không cần thiết, có như vậy việc học tập sẽ vô cùng hiệu quả.
5. Theo bạn, có bao giờ những người bạn tốt khác giới vượt quá giới hạn trở thành tình cảm, tình yêu không?
- Khánh (8A5): Theo mình điều này có thể xảy ra, bởi vì một người bạn tốt là người đáp ứng được sự chăm sóc về thể xác và chia sẻ tinh thần, và nó cũng chính là cơ sở của tình yêu.
6. Trong gia đình nếu như bố mẹ có những lúc có những ý kiến khác bạn, đôi khi chưa phải là đúng nhất vậy thì bạn cần làm như thế nào để có thể góp ý một cách tốt nhất?
- Nguyệt Anh (7A5): Theo mình thì mình cần chọn ra một thời điểm thích hợp, đó là khi tất cả mọi người trong gia đình đều đang vui vẻ và thoải mái để có thể dễ dàng trao đổi và nói chuyện, rồi chọn cách nói chuyện nhẹ nhàng, từ tốn đưa ra ý kiến của mình để bố mẹ thấu hiểu, và lưu ý là không nên rơi vào tình trạng tranh luận đến cùng bởi như thế sẽ rất khó để nói lên ý kiến riêng và mất không khí gia đình.
7. Tình huống: Bạn và một người bạn tốt của bạn chơi với nhau 1 thời gian dài nhưng do có một số xích mích khiến 2 bạn không tiếp tục chơi với nhau nữa, bên cạnh đó sự bất đồng ấy có nguy cơ ảnh hưởng đến 1 tập thể. Vậy thì phải giải quyết như thế nào để không ảnh hưởng đến sự đoàn kết của tập thể đấy?
- Hiền Anh (8A5): Có lẽ việc cần thiết nhất đó là phải tìm ra nguyên nhân của sự xích mích rồi 2 người bạn cùng ngồi trao đổi 1 cách thằng thắn để thấy được 2 người cần phải thay đổi và sửa đối như thế nào. Nếu sự thay đổi ấy sẽ duy trì lâu dài được tình bạn thì mỗi người bạn phải tự ý thức để thay đổi, không được bảo thủ và né tránh.
Diễn giả Ngô Minh Tuấn giải đáp câu hỏi, thắc mắc của các bạn học sinh
Cả 3 buổi hội thảo đều có tác động không nhỏ đến suy nghĩ của học sinh, giúp học trò nhìn nhận đúng đắn và sẵn sàng ứng phó với các khó khăn trong cuộc sống; đều đã ít nhiều đưa đến cho các em định hướng để quản trị thời gian của chính mình, có những dự định cho riêng mình. Với 3 buổi hội thảo thành công vừa diễn ra, rất nhiều học trò các khối lớp khác đang mong chờ các buổi hội thảo dành cho khối lớp của mình.