2017-07-08 15:51:29
Một người thầy của những thế hệ thầy - trò
Đăng ngày: 08/07/2017 03:51 PM | Lượt xem: 3.848 lượt

Có một thầy giáo uyên bác về tri thức và vốn sống, để lại trong lòng các thế hệ học trò biết bao tiết học thú vị và cả những bài học vô giá về cuộc đời, con người. Có một nhà giáo không đạo mạo, xa vời mà bình dị, gần gũi với vóc dáng cao gầy, nụ cười ấm áp giống một người cha, người bác, người anh. Có một người thầy chưa từng dạy ta một tiết học trên bục giảng nhưng vẫn luôn là tấm gương sáng để ta lặng lẽ soi mình, hoàn thiện mình hơn. Có một nhà giáo dục tài ba, tâm huyết sáng lập những ngôi trường để cho anh em đồng nghiệp có môi trường giáo dục ngày một tiên tiến, nhân văn và trao cơ hội học tập nhiều hơn nữa cho học trò…Người tôi muốn nói tới ở đây là Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường – nhà giáo của bao thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các học trò. 
Ấn tượng của tôi về thầy giản dị, gần gũi nhưng lúc nào trước thầy, tôi cũng tự cảm thấy mình chỉ là hạt cát trước đại dương mênh mông của tri thức và lòng nhân hậu.

Một người thầy của sự hồi sinh
Hơn 12 năm kể từ lúc tôi được gặp thầy (tháng 7/2004). Thời gian đủ dài để lắng sâu những xúc cảm và trải nghiệm; để thấm thía sâu sắc một điều từ tâm rằng: có sống tốt cả đời này cũng không đủ đáp đền tấm lòng nhân hậu của thầy cũng như của các đồng nghiệp thân yêu nơi mái trường Lômônôxốp. 

Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Phú Cường – nhà giáo của bao thế hệ cán bộ, giáo viên, nhân viên và các học trò

Tôi gặp thầy trong một hoàn cảnh đặc biệt mà trọn đời này tôi không thể nào quên. Năm ấy, gia đình tôi gặp nạn, tôi thi tuyển vào trường Lômônôxốp dạy thêm ngoài ngôi trường tôi đang công tác. Khi có kết quả, thầy trực tiếp gọi điện cho tôi nói rằng: tôi thi đỗ nhưng nhà trường cần giáo viên cơ hữu, không cần người thỉnh giảng. Tôi vẫn hy vọng mong manh và bày tỏ nguyện vọng thực sự mình rất cần một chỗ làm thêm. Ngày công bố chính thức kết quả thi tuyển, tôi òa khóc nức nở trước rất đông các giáo viên dự tuyển, một phần vì mình không có tên trong số người đỗ, phần lớn là vì nghe được những lời thầy bày tỏ sự băn khoăn, trăn trở về trường hợp của tôi. Những lời thầy giãi bày thật tâm đã cho tôi điểm tựa để bám víu, để tin vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Mấy ngày sau, đúng lúc tôi đang chới với, thầy đích thân gọi và trao cho tôi cơ hội: được đến trường dạy và chủ nhiệm lớp. Thầy đã không bỏ qua những lời giãi bày của một giáo viên lúc ấy còn xa lạ. Tôi đã luôn dặn mình phải nỗ lực để không phụ lòng thầy, để thầy không phải hối hận vì đã nhận nhầm tôi… Thầy đã hồi sinh cho tôi và tặng tôi một bài học quý: Cuộc đời hay công việc không chỉ đo bằng những quy chế, quy định hay nguyên tắc, mà luôn có tình người rộng mở, chứa chan. 
Ít lâu sau, những bất hạnh riêng tư của gia đình khiến tôi lại được nhận sự quan tâm chia sẻ từ thầy, từ những người đồng nghiệp thân quý. Tôi vẫn rưng rưng khi nhớ lại những tháng ngày đau thương đó, thầy đã cùng các thầy cô, các cán bộ nhân viên, các học sinh trong trường … phát động quyên góp và ra tận giường bệnh để tiếp sức; giúp gia đình tôi về cả vật chất lẫn tinh thần. Cho dù đời người không ai mong muốn để được ở trong tình cảnh thiếu may mắn ấy; nhưng chính trong hoàn cảnh thử thách đó, tấm lòng đôn hậu của thầy và tình cảm yêu thương ấm áp của bao đồng nghiệp, học trò dưới mái trường Lômônôxốp đã hồi sinh tôi.
Tôi chưa một lần bày tỏ sự tri ân đối với thầy. Cũng có nhiều lẽ… Những năm trước, tôi vẫn là một giáo viên trong trường, thầy là Hiệu trưởng, là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Dù muốn nói gì về thầy, tôi cũng còn chút e ngại … Năm học này, vì điều kiện cá nhân, tôi tạm rời xa mái ấm Lômônôxốp, tôi không được hàng ngày gặp gỡ thầy ở sân trường, cầu thang, lớp học… Nhưng với tôi, thầy luôn có mặt để định hướng cho mọi việc tôi làm. Ngày tôi từ giã mái trường, tôi đến chào thầy… Điều tôi vô cùng bất ngờ, ngạc nhiên và ngưỡng mộ: Ở tuổi ngoài 70, thầy không chỉ làm việc, lo lắng các chuyện ở trường; mà vẫn cần mẫn với nghiên cứu về giáo dục, vẫn tỉ mỉ và kiên nhẫn dạy từng em học sinh còn chưa chăm, chưa giỏi… Thầy vẫn khát khao làm nhiều điều mới mẻ cho sự nghiệp trồng người, vẫn tâm huyết có được nhiều hơn những môi trường giáo dục tốt đẹp cho các thế hệ học trò. Những công việc thầy đang lặng lẽ làm, người sức vóc trẻ trung hẳn có khi cũng sẽ nhọc nhằn, e ngại; những điều thầy trăn trở nghĩ suy không phải cho bản thân, cũng không chỉ dành cho ngôi trường của riêng thầy, mà đều vì xã hội, cho tương lai… Tôi học được nhiều thêm từ trang đời mỗi lần thầy lật giở.
Thầy kính yêu! Tôi muốn gửi tới thầy lời chúc tốt đẹp nhất; kính chúc thầy luôn mạnh khỏe để những giáo viên chúng tôi học được từ thầy nhiều hơn nữa, để các thế hệ học trò lại được mở ra thêm những cơ hội học tập quý giá, được chăm sóc và giáo dục, được hội nhập và khẳng định bản thân. 

Thay cho lời kết
Tôi nhớ gần đây, trên trang cá nhân, thầy đưa lên hai tấm ảnh. Ảnh 1: cây sung héo vì quên tưới nước tưởng đã chết hẳn. Ảnh 2: cây sung được cứu sống sau gần 3 tháng. Chao ôi! 3 tháng chăm chút cho một cây sung nhỏ bé, cả đời tâm huyết với sự nghiệp trồng người… Niềm vui của người trồng cây giản dị, niềm vui của sự nghiệp trồng người lớn lao. Một nhà giáo khi là Hiệu trưởng đã không bỏ qua tiếng lòng thổn thức của một giáo viên trẻ… Một người thầy lúc tuổi xế chiều vẫn nâng niu một mầm xanh bé nhỏ vô tri… Không tuyên ngôn những điều lớn lao, không tỏ vẻ, không lấn lướt người khác, lại càng không phô trương thành tích bao giờ. Thầy vẫn vậy, bình dị sống, bình dị yêu thương, bình dị trong cả khi nâng đỡ mọi người, bình dị truyền sức sống và niềm tin tới xung quanh. Phải chăng đây là người thầy mang sứ mệnh của sự hồi sinh? 
Nhà văn Pháp V. Huy-gô từng nói: “Trên đời này chỉ có một thứ mà ta phải cúi đầu thán phục, đó là tài năng và chỉ có một thứ mà ta phải quỳ gối tôn trọng, đó là lòng tốt”. Tôi thực sự muốn “cúi đầu” và “quỳ gối” trước người thầy đáng kính ấy. Tôi mới vỡ lẽ vì sao trường Lômônôxốp phát triển vững mạnh để trở thành Hệ thống giáo dục uy tín đến như vậy; tôi hiểu không phải ngẫu nhiên Chủ đề năm học 2016-2017 của trường là “Học trải nghiệm, sáng tạo - Sống trách nhiệm, yêu thương”... Bởi ở đây có những người thầy có trí tuệ uyên bác, luôn hết lòng yêu thương và trải rộng tình yêu, cống hiến trí tuệ ấy cho tất cả cuộc đời.

Người viết: Cao Thị Thúy Hòa
(Nguyên giáo viên tổ Ngữ văn, trường THCS – THPT Lômônôxốp, Nam Từ Liêm, Hà Nội)
Hà Nội, ngày 1/12/2016


Một người thầy của những thế hệ thầy - trò Một người thầy của sự hồi sinh Hơn 12 năm kể từ lúc tôi được gặp thầy (tháng 7/2004). Thời gian đủ dài để lắng sâu những xúc cảm và trải nghiệm để thấm thía sâu sắc một điều từ tâm rằng: có sống tốt cả đời này cũng không đủ đáp đền tấm lòng nhân hậu