Thấm thoắt cũng đã 6 năm kể từ khi tôi trưởng thành từ mái trường M.V Lômônôxốp. Cuộc sống đã cuốn tôi đi với những trải nghiệm mới, những không gian mới, môi trường mới. Sau 6 năm, chắc hẳn những cựu học sinh như tôi không ít lần bồi hồi ước gì được “bé lại, được trở về làm một cô/cậu học sinh vô ưu, vô lo dưới mái trường M.V Lômônôxốp”.
Ngày còn đi học, nhìn thấy các anh, chị cựu học sinh trở về thăm thầy cô mà lòng đầy hân hoan, tôi đã tự hỏi có gì ở mái trường M.V Lômônôxốp mà khiến cựu học sinh nhớ nhung đến thế? Và khi đã trở thành một cựu học sinh, tôi mới hiểu vì sao bất cứ ai đã trưởng thành từ mái trường này đều mong ước được một lần trở về. Bởi vì, chẳng có ai mà không muốn trở về nhà.
Nói M.V Lômônôxốp là nhà cũng không sai, bởi vì tôi đã dành 3 năm để cùng học, cùng ăn, cùng ngủ trưa và cùng chơi với bạn bè đồng trang lứa. Nơi đây thực sự là mái nhà thứ hai của mỗi đứa học trò bởi vì chúng tôi không chỉ có thầy cô trên giảng đường dạy cho chúng tôi tri thức, mà còn có các cô trông trưa, cô phụ trách xe đưa đón, có chú bảo vệ chăm lo cho từng bữa ăn, giấc ngủ. Vậy nên khi tôi tốt nghiệp cấp III, rời xa mái trường này, tôi cảm thấy như một đứa trẻ phải rời xa gia đình quen thuộc của mình.
Trong chặng đường trưởng thành, tôi đã dành nhiều thời gian để đắm mình trong nhiều trải nghiệm mới. Từ mái trường M.V Lômônôxốp, tôi đã được thầy cô trao truyền cho nhiều bài học: sự dũng cảm để đương đầu với khó khăn, sự mềm mỏng trong ứng xử giữa người với người, sự cởi mở để cập nhật và đón nhận những thay đổi giữa thời đại công nghệ và xã hội phát triển không ngừng. Thế nhưng, bài học lớn nhất mà tôi đã mang theo từ mái trường M.V Lômônôxốp, đó là “sự tử tế” và “tôn trọng sự khác biệt của mỗi người”.
Ngày đầu tiên bước chân tới M.V Lômônôxốp, tôi là một cô bé đã quá quen với sự rập khuôn, tôi tò mò vì sao các bạn học của tôi lại tự tin và thân thiện đến vậy. Sau này, khi tham gia vào nhiều hoạt động tại nhà trường, rồi trở thành Bí thư đoàn trường vào năm lớp 11, tôi mới hiểu chính ngôi trường này đã đem lại cho mỗi học sinh cơ hội được thể hiện bản thân mình với không một sự phán xét. Nhiều bạn học của tôi đã được thầy cô khuyến khích theo đuổi nghệ thuật, mà ở thời điểm đó ngành nghệ thuật không được mấy ai ủng hộ khi quyết định thi đại học. Nhiều học sinh còn rụt rè được khuyến khích tham gia vào những cộng đồng như Ban chấp hành Đoàn trường, Hội tình nguyện Green – những môi trường lành mạnh để học cách giao tiếp tốt hơn, cởi mở hơn. Bản thân tôi cũng được giáo viên chủ nhiệm năm lớp 10 đề cử vào Ban chấp hành Đoàn trường. Và chính nhờ những trải nghiệm trong 3 năm ấy, tôi mới biết được điểm mạnh về ngôn từ của bản thân, khả năng lãnh đạo, niềm yêu thích với những công việc liên quan đến báo chí, truyền thông và con chữ.
Trong suốt hành trình theo đuổi đam mê ấy, tôi luôn mang trong mình tâm niệm về sự tử tế và cởi mở mà tôi học được từ M.V Lômônôxốp. Tôi giữ một thái độ trung lập, không phán xét về bất cứ ai, tôi hiểu rằng mỗi người có một sứ mệnh ở trên đời và chúng ta cần tôn trọng lựa chọn của mỗi người. Tôi khuyến khích những đồng nghiệp của tôi sáng tạo, đưa ra những ý tưởng mới để cùng thảo luận. Tôi giữ sự tử tế trong từng lời hứa, từng lời nói với người khác và tôi luôn quan niệm rằng khi tôi lương thiện, tôi cũng sẽ nhận được về sự tử tế từ người khác.
Chính mẹ tôi cũng đã nói rằng: “Mẹ nghĩ nếu không có M.V Lômônôxốp thì sẽ không có con của ngày hôm nay”. Đã hơn mười lần mẹ tôi nói về sự thoải mái, thân thiện và tử tế khi làm việc, trao đổi với thầy cô cấp III của con gái. Mẹ tôi tự hào khi được nói về những trải nghiệm mà con gái của mẹ đã có được khi học tập và trưởng thành trong một môi trường hiện đại, chấp nhận sự khác biệt và thay đổi.
Ngôi trường thân mến của tôi đã tròn 30 tuổi – 30 năm thầy cô cần mẫn gieo từng hạt giống tử tế vào trong trái tim của mỗi học trò. Tôi tự hào vì đã được trở thành một phần trong chặng đường phát triển của nhà trường. Những hạt giống giờ đây đã nảy mầm trở thành những cây xanh và mỗi học trò của M.V Lômônôxốp sẽ tiếp tục sứ mệnh trao truyền sự tử tế và trong lành từ thầy cô tới nhiều nơi, nhiều vùng đất trên khắp thế giới.
-----------------------
Nguyễn Thanh Hiền
Niên khoá 2013 – 2016