2017-10-27 14:26:49
LOMONOXOP TRONG TÔI - MÃ SỐ LMNX25Y.0095
Đăng ngày: 27/10/2017 02:26 PM | Lượt xem: 2.195 lượt
MÃ SỐ LMNX25Y.0095
BÀI DỰ THI: LOMONOXOP TRONG TÔI
Họ tên: Nguyễn Hồng Yến 
Giáo viên môn Ngữ Văn...

Hương thời gian thanh thanh
Màu thời gian tím ngắt ... (Đoàn Phú Tứ)



Đứa con gái lớn đã vào đại học, qua những câu chuyện nói về thời học sinh nó vẫn nhắc: “Con rất nhớ Lomo, con yêu Lomo lắm, bạn bè tri kỉ của con bây giờ là các bạn học thời Lomo” (Đỗ Minh Khuê lớp 9a3 khóa 2010- 2014). Thằng em con trai thì hồn nhiên hơn khi nói với mẹ “Mẹ ơi, lên cấp III thì con vẫn học Lomo nhé”. Mấy ngày nay cứ mở trang facebook, thấy các bài viết Lomo trong tôi của các học trò chúng nó lại bảo với mẹ: “ Mẹ kìa, Lomo trong tôi, mẹ viết đi...”, nhận lời chúng nó mình nói: “Ừ mẹ viết nhé”. Ý nghĩ sẽ viết, viết cho Lomo (đồng nghiệp và học trò), viết cho mẹ (hành trình 13 năm), cho các con (kỉ niệm thời áo trắng) cứ thôi thúc. Và mình đã viết...

Bán công Chuyên ngữ, nỗi ngóng vọng một thời....Khi còn là sinh viên khoa Ngữ Văn (1992- 1996), những buổi đi chơi qua khu nhà lắp ghép bên Đại học Ngoại ngữ, thấy có mái trường nhỏ bé mang tên Trường bán công Chuyên Ngữ, mình đã ước mơ sau này ra trường sẽ được dạy học ở nơi đây. Khi ra trường tìm hiểu về thể lệ tuyển giáo viên thì mới biết nhà trường tuyển chọn rất khắt khe: Nào là số lượng tuyển giáo viên rất ít, nào là hồ sơ phải đẹp (sinh viên giỏi, bằng khá giỏi, thạc sĩ...).Vì rất yêu trường và thấy mình cũng có một vài điền kiện cần nên cũng mạnh dạn tới trường hỏi vấn đề tuyển nhân sự nhưng lần nào cùng nhận câu trả lời lạnh lùng của văn phòng:“Trường không có nhu cầu tuyển giáo viên”. Mưu sinh nghề nghiệp thuở mới ra trường, mình cũng tìm được nơi dạy ở trường khác, nhưng mỗi lần đi qua Cầu Giấy (lúc đó trường chuyển về 299 Cầu Giấy), ý nghĩ được về làm việc dưới mái trường này cứ dội lên.. và mình quyết tâm tìm kiếm cơ hội về trường. 

Loomonoxop, điểm đến - nơi về ! Cũng là một cơ duyên về với trường là khi trường Bán công Chuyên Ngữ xây xong ở khu Mĩ Đình II và mang tên nhà bác học Lomonoxop. Trường rộng có thêm nhiều lớp học, nhu cầu về giáo viên cho năm học 2004 tăng, nhà trường mở một đợt tuyển giáo viên rất quy mô và mình đã có cơ hội. Ấn tượng đầu tiên về đợt thi tuyển về trường là rất khắt khe, mỗi thí sinh phải qua 3 vòng tuyển (hồ sơ, giảng bài, và phỏng vấn). Mình nhận phần thi của giáo viên Văn cấp III do thầy Nguyễn Thiêm phụ trách: Thầy đưa cho mỗi thí sinh phần nội dung ôn thi là 20 câu hỏi chuyên sâu về Văn học. Thầy trực tiếp đi dự giờ và phỏng vấn từng người...Kì thi ấy thật gian nan, nhưng rồi vì tình yêu và quyết tâm sẽ về trường, mình đã dốc sức ... Một buổi chiểu đầu đầu thu tháng 8/2004, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phú Cường đã trực tiếp gọi điện báo tin: “Điểm thi của em xếp thứ 2 và em được nhận về trường”. Nhận điện thoại từ người thầy mình rất ngưỡng mộ, mình vui quá, run rẩy nghẹn lời...mình đã về trường trong niềm tự hào như thế đó. 
Lomonoxop ấn tượng, thân thương! Suốt 13 năm về trường, chưa có tuần học nào mình gián đoạn với việc lên lớp.... Xin điểm lại những điều ấn tượng, những khoảng khắc trong lành, những kỉ niệm nâng niu ngay từ ban đầu với Lomonoxop. Mình rất yêu các con số của thầy Nguyễn Phú Cường trong các buổi họp đặc biệt khi thầy đề cập đến giáo viên trong trường:Thầy luôn nhấn mạnh trường có bao nhiêuTiến sĩ, bao nhiêu Thạc sĩ, bao nhiêu Cử nhân... Thầy nói vui lắm, mình hiểu thầy rất nâng niu và tự hào về đội ngũ giáo viên của thầy và mình cũng vinh dự được đứng trong đội ngũ đó. Mình say mê các buổi sinh hoạt chuyện môn trong tổ Văn, được học bao điều từ các bậc lão thành, các cô, các chị đi trước. Những buổi hội thảo, những chuyên đề đổi mới, những đêm thơ nồng nàn, những chuyến dã ngoại thú vị, và mình hiểu mình phải khác, thực sự khác. Mình cũng thương lắm những học trò thiệt thòi chúng bị tự kỉ, trầm cảm và luôn cô đơn. Ánh mắt rạng ngời hiếm hoi của chúng lóe lên khi được mình cổ vũ và ghi nhận, lúc đó mình nghĩ mình phải sắm vai Con mèo dạy hải âu bay, phải mềm lòng để chấp nhận sự khác biệt. Học trò, chúng luôn để lại trong mình sự ngưỡng mộ, chúng sống tốt với nhau, sáng tạo và đam mê, hồn nhiên và thành thật...cũng phải nói rằng mình học lại từ học trò nhiều bài học hay... mà thấy mình phải luôn cố gắng nhiều. Lomo cũng rộn ràng và hào hứng với mình trong những ngày thi Giáo viên giỏi. Học trò các khóa về trường đóng kịch, quay phim, đồng nghiệp chộn rộn chung tay vào việc, các thầy cô có tuổi luôn căn dặn “cố lên em nhé”, “giờ dạy phải tươi như hoa ”, “ bài dạy sang là phải có chất nghiên cứu đấy”. Lomo cũng có những khoảnh khắc chùng lòng là khi đã không thành công một giờ dạy trên lớp, là khi ai đó đã hiểu sai ý tốt của mình...
Lomo luôn đem đến nhiều cảm xúc cho cuộc sống và công việc. Vẫn là niềm vui, nỗi buồn nhưng không bao giờ giống nhau bởi lẽ cũng như thời gian chảy trồi, mỗi lứa học trò lại đem đến cảm xúc mới, những nguồn năng lượng mới để tái tạo và hồi sinh mình. Cảm ơn những tháng năm ở Lomo, cảm ơn đồng nghiệp và cảm ơn các thế hệ học trò, chúng ta đã gặp gỡ nhau dưới mái trường này để lưu lại những khoảnh khắc thật đẹp. Nhân dịp 25 năm ngày thành lập ngôi trường tràn đầy sức trẻ, xin mượn một lời thơ của người thầy giáo để làm lời kết cho bài viết của mình: “Nếu cho làm lại cuộc đời/ Lomonoxop là nơi tôi về!” 

Mùa thu Hà Nội, 9/2017 

( GV: Nguyễn Hồng Yến, tổ Ngữ văn, trường M.V Lomonoxop)
 — cùng với Hồng Yến Nguyễn.

Các tin khác: